Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn

Chuỗi thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tại Ninh Bình đã có nhiều chuỗi thực phẩm an toàn được hình thành và duy trì hiệu quả, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một trong những trung tâm chế biến rau quả lớn và hiện đại bậc nhất của cả nước với 4 dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, tổng công suất lên đến trên 20.000 tấn sản phẩm/năm tại 3 nhà máy chế biến ở Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, được Công ty đặt lên hàng đầu bởi 90% sản phẩm của Công ty phục vụ xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng. Trong những năm qua, Công ty đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn ISO và HACCP trong việc quản lý và tổ chức sản xuất, tiến tới áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo bộ tiêu chuẩn quốc tế IFS.

Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, Công ty cũng tập trung mảng thị trường tiêu thụ nội địa với các sản phẩm nước hoa quả, ngô ngọt bán qua kênh truyền thống là chợ, đại lý, nhà hàng, siêu thị. Công ty cũng có hệ thống siêu thị tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Công ty có Phòng Truyền thông đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử. Đây là Công ty tiêu biểu về xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, được người tiêu dùng tín nhiệm và đánh giá cao. Hàng năm, các sở, ngành liên quan, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh cũng quan tâm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại Công ty.

Nhà máy rượu Tràng An (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn AIQ đang được người tiêu dùng biết đến bởi các sản phẩm rượu đạt OCOP. Công ty đang sản xuất 6 sản phẩm, trong đó đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao cấp thành phố là rượu nếp Tràng An, Rượu đông trùng hạ thảo.

Ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Nhà máy rượu Tràng An cho biết: Đặc điểm của Rượu Tràng An đó là nguyên liệu đầu vào là gạo nếp cái hoa vàng, nếp hạt cau. Đây là 2 dòng gạo đặc sản của Ninh Bình và men rượu làm từ 36 vị thuốc bắc truyền thống.

Nhận thức rõ chất lượng sản phẩm có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe người tiêu dùng nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được Nhà máy chú trọng trong từng khâu để đảm bảo quy trình sản xuất đáp ứng đủ các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động, chưng cất rượu bằng tháp đa tầng, loại bỏ triệt để các độc tố như: methanol, andehit…

Đặc biệt, men thuốc bắc được chế biến bởi nghệ nhân có 60 năm kinh nghiệm nấu rượu cổ truyền, sau đó được phân lập trong phòng vô trùng với trang thiết bị hiện đại, tạo ra loại men có hoạt lực mạnh, giữ nguyên sự ổn định về chất lượng thành phẩm. Do đó, sản phẩm luôn an toàn với người sử dụng bởi Nhà máy thực hiện theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Quy trình chế biến men thuốc bắc tại Nhà máy Rượu Tràng An.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các sản phẩm trong chuỗi cung ứng chủ yếu là rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, thịt dê và các sản phẩm từ thịt như giò, chả, xúc xích, cá trạch… được cung cấp từ các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Tương ứng với 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là 30 cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cùng với hệ thống cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh thành lập, 30 chuỗi cung ứng thực phẩm trở thành các điểm cung cấp thực phẩm an toàn, uy tín được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Để các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đảm bảo chất lượng, công tác quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để giảm bớt thủ tục hành chính, thuận lợi hóa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các sở: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra an toàn thực phẩm, giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm chất lượng sản phẩm…

Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị của ngành Nông nghiệp đã chủ trì, phối hợp với UBND các cấp triển khai nhiều hoạt động về xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, kết nối người tiêu dùng với sản xuất.

Công tác xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm được chú trọng. Năm 2023, ngành Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện 17 mô hình, dự án về an toàn thực phẩm. Qua đó giúp người dân được tập huấn kỹ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình được triển khai hiệu quả đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ tham gia, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình phối hợp của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động và giám sát công tác an toàn thực phẩm ở địa phương trong phạm vi quản lý, Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới"; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập, ra mắt 9 hợp tác xã, tổ hợp tác, trong đó có 7 HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dược liệu, thực phẩm an toàn như: Tổ hợp tác trồng cây dược liệu tại xã Kim Đông (Kim Sơn); tổ hợp tác trồng dứa tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp; Tổ hợp tác trồng nấm xã Ninh Hòa (Hoa Lư); Tổ hợp tác sản xuất rau, quả an toàn tại xóm 10, xã Khánh Thủy (Yên Khánh); HTX sản xuất và tiêu thụ bánh dầy Kỳ Phú; HTX Yến sào Hoa Huân (Yên Mô); Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản Thanh Nguyễn, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình)…

Bài, ảnh: Lý Nhân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-qua-viec-xay-dung-cac-chuoi/d20240202162316628.htm