Bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ (PN), trẻ em. Các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đang nỗ lực bảo vệ PN, trẻ em bằng nhiều biện pháp.

Tỉnh quan tâm, chăm lo trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt)

Vết thương lòng

Mấy năm trước, câu chuyện về em L., ngụ xã Bình Hòa Bắc, học sinh Trường THPT Đức Huệ, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bị chính cha ruột “giam lỏng” trong nhà khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo lời kể của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Đức Huệ - Huỳnh Thị Phương Quyên, khi ấy, cha mẹ của L. vừa ly hôn, em sống với mẹ. Để tiện cho việc đi học trong thời gian mẹ đi làm xa, L. sau đó trở về sống với cha. Sau đó, L. đột ngột không đến trường. Nhận thấy có dấu hiệu lạ, Đoàn trường phối hợp Công an xã, chính quyền, Hội LHPNVN xã tiếp cận và mời cha em lên làm việc.

Chỉ vì nóng giận, ghen tuông với vợ cũ mà cha em đã có hành động sai trái dù rất thương con gái. Sự việc sau đó được giải quyết nhưng có lẽ tình cảm cha con khó có thể được như trước.

Tạo điều kiện để trẻ em phát triển (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi nhận thấy yếu tố cốt lõi của bạo lực gia đình là do bản thân nạn nhân chưa mạnh dạn lên tiếng. Tôi mong muốn chị em hãy mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo hành để bảo vệ chính bản thân và các con. Phải ngăn chặn bạo lực ngay từ đầu, không để âm ỉ, đến lúc bùng phát thì việc đã rồi”.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền

Sống với nhau đã mấy chục năm, đến khi các con khôn lớn và lập gia đình ở riêng, chồng bà H., ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, đổi tính. Ông thường “la cà” nhậu nhẹt. Mỗi lần có men rượu trong người, ông đập phá đồ đạc và “xuống tay” với vợ của mình.

Nhiều lần khuyên nhủ chồng hết lòng nhưng bà H. vẫn không lay chuyển được tình thế. Khi đó, bà sống trong những ngày lo sợ bởi đòn roi của chồng. Những lần tham gia sinh hoạt tổ PN tại ấp, bà đều giấu nhẹm chuyện bị chồng bạo hành.

Nhưng sau một lần bị chồng đánh đến “thừa sống, thiếu chết”, bà mới nghĩ đến việc trình báo địa phương và có ý định ly hôn. Nhưng rồi bà lại mềm lòng khi chồng năn nỉ, xin lỗi, nhưng chưa được bao lâu, ông lại tái phạm.

Sau đó, ông lâm bệnh qua đời, bà mới được giải thoát. Lúc đó, khi trò chuyện với Hội LHPNVN xã Hậu Thạnh Tây, bà từng khóc khi nói rằng: “Vì thương chồng, sợ các con lo lắng và xấu hổ với hàng xóm nên tôi không muốn trình báo sự việc sớm hơn”.

Nhiều năm làm Chủ tịch Hội LHPNVN xã Long Cang, huyện Cần Đước, bà Nguyễn Thị Thu Thủy giúp không ít gia đình tưởng chừng đổ vỡ vì BLGĐ lại về bên nhau. Theo bà Thủy, vết thương ngoài da cắt chỉ sẽ hết, nhưng BLGĐ - vết thương lòng rất khó lành. Vì vậy, khi khuyên giải, tư vấn các trường hợp liên quan đến BLGĐ, bà thường có cách ứng xử khéo léo, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của PN.

Từ những vụ hòa giải thành, gia đình bà trở thành nơi đáng tin cậy, để những nạn nhân BLGĐ được “trút nỗi lòng”. “BLGĐ nếu không giải quyết được kịp thời sẽ để lại nhiều hệ lụy, tội nhất là những đứa trẻ. Trong nhiều lần tham gia hòa giải, nếu như căn cứ tình huống không đến mức phải xử lý, có thể cứu vãn được, tôi khuyên họ nên bao dung, tha thứ cho nhau” - bà nói.

Phụ nữ ngày càng phát huy phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, góp phần hạn chế bạo lực gia đình (Trong ảnh: Phụ nữ Cần Giuộc ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp)

Phòng, chống bạo lực gia đình

Hàng năm, các ngành đều thống kê số vụ BLGĐ nhưng con số này còn khá khiêm tốn và PN thường bị bạo hành nhiều hơn nam giới.

Thông tin từ Hội LHPNVN tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó, chủ yếu là những mâu thuẫn trong gia đình chưa được hóa giải. Trình độ nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; những người có hành vi BLGĐ cho là chuyện riêng của gia đình, không muốn người khác can thiệp; bất bình đẳng giới trong gia đình không được phát hiện sớm và giải quyết triệt để; khó khăn về kinh tế; các tệ nạn xã hội; lạm dụng rượu, bia làm thay đổi suy nghĩ và mất đi tính tự chủ, làm con người trở nên thô bạo hơn,...

Đáng chú ý nhất, đa số nạn nhân BLGĐ thường cam chịu, không trình báo với các cơ quan chức năng vì nhiều lý do. Từ đó làm cho hành vi BLGĐ có cơ hội tiếp diễn với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn.

Các cấp, các ngành chăm lo cho trẻ em mồ côi do Covid-19

Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương đến đời sống tình cảm, tâm lý, danh dự, tính mạng của các nạn nhân mà còn làm rạn nứt, suy giảm sự bền vững của gia đình hay tan vỡ hạnh phúc gia đình dẫn đến ly hôn, ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình học tập và trưởng thành của con trẻ; gây tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của xã hội, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn xã hội”.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, để bảo vệ PN và trẻ em trước BLGĐ, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đối với phái yếu. Những năm gần đây, Hội LHPNVN các cấp trong tỉnh làm tốt công tác truyền thông, tập huấn, tuyên truyền nâng cao vị thế của PN về tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Ngoài ra, thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ PN tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến PN giai đoạn 2017 - 2027”, Hội tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng PN tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại, kiến thức cơ bản về hôn nhân - gia đình và hậu quả sau ly hôn, kỹ năng hỗ trợ người yếu thế cũng như kỹ năng phòng, chống BLGĐ.

Bên cạnh đó, thông qua các nguồn vốn vay hỗ trợ PN phát triển kinh tế gia đình và khởi sự kinh doanh, Hội tư vấn, hướng dẫn các chị làm kinh tế, đỡ đần gánh nặng cho chồng trong cải thiện cuộc sống gia đình.

Bà Thắm cho rằng, công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là đối với PN và trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Trong đó, bản thân nạn nhân cũng phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải biết cách ứng xử tế nhị, tôn trọng, giúp đỡ nhau. Trường hợp vợ chồng có xung đột, nên thẳng thắn trao đổi để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tạo không khí hòa thuận, cùng có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống./.

- Hiện nay, toàn tỉnh có 368 câu lạc bộ Hạnh phúc gia đình với hơn 10.000 thành viên; 311 câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên và nhiều mô hình ở cơ sở liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Những mô hình này ít nhiều góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian gần đây.

- Trung ương Hội LHPNVN đã phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa. Hội LHPNVN tỉnh đã triển khai đến các cấp Hội trong tỉnh. Xuất phát từ tấm lòng, trên tinh thần tự nguyện, Hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đồng hành, san sẻ với những trẻ em bất hạnh.

Trong các nội dung, chỉ tiêu đặt ra của chương trình có giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương theo chức năng của tổ chức Hội, bao gồm hỗ trợ, hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước; giám sát và hỗ trợ bảo đảm an toàn phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-ve-phu-nu-tre-em-truoc-bao-luc-gia-dinh-a126765.html