Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Anh Đức - Thu Hằng - Hà Phương

BPO - Để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các lực lượng tham gia, có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng; trong đó, vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng, quyết định.

Bài cuối
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Mỗi cán bộ, đảng viên là một chiến sĩ

Từ sự phát triển của khoa học - công nghệ, các nền tảng mạng xã hội (MXH)ra đời và ngày càng khẳng định vị trí không thể thiếu trong đời sống chính trị cũng như kinh tế - xã hội của các quốc gia và cả người dân. Tuy nhiên, khi MXH, môi trường không gian mạng, các tương tác trên mạng càng phát triển thì thế lực thù địch, phản động càng triệt để lợi dụng để phủ sóng rộng hơn, mạnh hơn các thông tin chống phá. Vấn đề đặt ra là, từng cán bộ, đảng viên cần ý thức được trách nhiệm công dân trong việc sử dụng tài khoản MXH để bày tỏ quan điểm đúng đắn, lan tỏa những giá trị nhân văn, đạo đức, góp phần tạo định hướng chính trị vững vàng, là “sức đề kháng” trước những thông tin độc hại, là vũ khí tấn công hiệu quả nhằm lấn át những nội dung thông tin tiêu cực trên không gian mạng.

Đoàn thanh niên phối hợp với Tổ công nghệ thông tin thành phố Đồng Xoài hướng dẫn cách tạo tài khoản trên các phần mềm

Bối cảnh mới, giai đoạn cách mạng mới hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng hết sức cấp thiết. Để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, huy động nhiều lực lượng tham gia, cần có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” trong thực hiện các quyết sách của Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nêu rất rõ: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Với hơn 5 triệu đảng viên, đây là lực lượng nòng cốt góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đầy cam go, thử thách này.

Ông Vũ Văn Tuyền, đảng viên 75 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, Chi bộ khu phố 5, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử

Ông Vũ Văn Tuyền, đảng viên 75 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, Chi bộ khu phố 5, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử

Mới đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và MXH. Đây được xem như kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên khi tham gia MXH. Năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW về việc thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư, triển khai hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện. Theo đó, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, MXH, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường internet, MXH Việt Nam văn minh, lành mạnh, an toàn.

Nhiệm vụ cơ bản, sống còn trong công tác xây dựng Đảng

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; nhiệm vụ cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng Đảng; là việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể và của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Theo đó, mỗi tổ chức đảng và cá nhân đảng viên khi tham gia MXH phải xác định nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Ðảng. Mỗi người tự nâng cao nhận thức trách nhiệm về nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Phải nhận thức được “tính hai mặt” của không gian mạng, “nhận diện” rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc sử dụng không gian mạng để chống phá cách mạng nước ta. Từ đó, nêu cao nhận thức, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” trước các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định lập trường chính trị, không bị tác động tiêu cực tới tư tưởng chính trị và bản lĩnh. Tham gia MXH với cảm xúc lành mạnh, chủ động làm chủ không gian mạng, phải để không gian mạng trở thành phương tiện, công cụ đắc lực phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng năm 2018, Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và MXH, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và các văn bản, chính sách, pháp luật khác của Đảng và Nhà nước liên quan đến nội dung này. Từ những quy định nêu trên, mỗi cán bộ, đảng viên tự hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm trong việc đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không phù hợp trên internet, MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Khi tham gia MXH, hoạt động trên không gian mạng, cán bộ, đảng viên chủ động lan tỏa thông tin tích cực, góp phần “phủ xanh” thông tin tích cực, đẩy lùi, pha loãng thông tin tiêu cực.

Những điều nên làm và không nên làm khi tham gia mạng xã hội

Những điều nên làm và không nên làm khi tham gia mạng xã hội

Mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức và chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình lưu trữ, truyền tải, đăng tải trên trang cá nhân của mình. Tuyệt đối tuân thủ “9 không”: Không thích (like); không chia sẻ (share); không bình luận (comment) cổ xúy những thông tin sai trái, thù địch, tiêu cực; không đăng phát thông tin tiêu cực, không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội...

Khi thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân, tài khoản MXH, cần khai báo thông tin chính danh. Khi phát hiện trang thông tin điện tử của mình và người xung quanh có những thông tin tiêu cực, bị mạo danh, có điểm bất thường, mạo danh một số cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị để lừa đảo, vay tiền, tung tin xấu, độc trên không gian mạng ngay lập tức báo cáo cấp ủy và phối hợp cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Chắc chắn rằng, khi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong và đề cao vai trò nêu gương sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Mỗi đảng viên hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ: “Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên dùng smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn”.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/148681/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-khong-gian-mang