Bảo vệ đê điều- Nhiệm vụ cấp bách và lâu dài: Kỳ 3: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Để chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, tỉnh Ninh Bình đã xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ đê điều là nhiệm vụ chính trị quan trọng đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Tuyến đê biển Bình Minh 3 được đầu tư xây dựng kiên cố, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Anh Tuấn

Bảo vệ đê điều, kỳ 2: Nan giải tình trạng "xẻ thịt" hành lang đê

Bảo vệ đê điều - nhiệm vụ cấp bách và lâu dài: Kỳ 1: Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đê điều

Thách thức trong công tác quản lý

Câu chuyện về nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn đê điều trong mùa mưa bão do vi phạm Luật Đê điều hay tình trạng xuống cấp một số công trình trên đê sẽ không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Điều này xuất phát từ nhiều phía như ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp, các quy định về xử lý vi phạm còn chưa chặt chẽ và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý ở một số cấp chính quyền địa phương.

Nói về tình trạng vi phạm Luật Đê điều, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Tính từ năm 2008, Yên Khánh có 39 vụ vi phạm Luật Đê điều. Hạt Quản lý đê đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, xử lý, giải tỏa được 21/39 vụ, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Hiện trên địa bàn huyện còn tồn đọng 18 vụ vi phạm, nhưng không có phát sinh vụ việc mới.

Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm các vi phạm là hết sức khó khăn bởi nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc các quy định để xử lý những vi phạm này còn nhiều bất cập. Đơn cử như Điều 20, Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều nhưng lại thuộc quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chính vì thế, gây khó khăn cho chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện trong công tác xử lý vi phạm do vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 104 lại không quy định rõ hay phân biệt về quy mô, tính chất công trình xây dựng như công trình tạm (lều lán, chuồng trại), công trình phụ (tường rào, trụ cổng, bếp, mái che...), công trình nhỏ lẻ (cột điện, hệ thống chiếu sáng, biển báo), công trình quy mô lớn (nhà ở, nhà điều hành, trạm biến áp...), do vậy việc áp dụng mức độ xử phạt gặp khó khăn.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới các vụ việc vi phạm chậm giải quyết, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Bên cạnh nguyên nhân chủ quan như: ý thức chấp hành các quy định Luật Đê điều của một số tập thể, cá nhân trong tỉnh còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng cố tình vi phạm kéo dài mặc dù đã có sự nhắc nhở, xử phạt từ phía các cơ quan chức năng và địa phương; công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Công tác xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai ở một số địa phương chưa được quan tâm sát sao, đúng mức, do vậy số vụ việc vi phạm đã xử phạt hành chính vẫn chưa được xử lý, giải quyết triệt để, cơ bản mới dừng lại ở mức đình chỉ tại chỗ và lập biên bản vi phạm, chưa đưa ra được các giải pháp xử lý dứt điểm. Mặt khác, một số doanh nghiệp, cá nhân vi phạm chưa hợp tác với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đê điều trong việc xử lý, giải tỏa vi phạm.

Thêm một lý do dẫn tới các ngành chức năng gặp khó khăn trong xử lý vi phạm đê điều là do một số hộ dân được cấp đất thổ cư, thổ canh trên phần đất hành lang đê, chính vì vậy khi các hộ dân cải tạo, xây dựng, nâng cấp các công trình lại vi phạm Luật Đê điều.

Đối với tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên đê, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã thường xuyên tiến hành kiểm tra xử lý các vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay trên một số đoạn đê còn chưa có biển báo giới hạn tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê (theo quy định ngày 17/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) như: đê Hữu Đáy đoạn qua Khu công nghiệp Khánh Phú; đê tả Hoàng Long..., chính vì thế khi kiểm tra, phát hiện vi phạm của phương tiện quá tải lưu thông trên đê, Thanh tra giao thông chỉ xử lý được các vi phạm liên quan đến phương tiện (như: quá tải phương tiện, thay đổi kích thước thùng hàng, không che phủ để rơi vãi hàng...), điều kiện kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện. Đối với vi phạm về phương tiện lưu thông có trọng lượng vượt quá cho phép của đê, Thanh tra giao thông không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đê điều nếu chỉ có sự vào cuộc của các ngành chức năng là chưa đủ mà rất cần tới ý thức chấp hành Luật Đê điều từ chính những người dân. Do vậy, thời gian qua, để quản lý và bảo vệ an toàn đê điều, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng của mình phối hợp để kiểm tra các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các xe chở quá khổ, quá tải trọng lưu thông qua các tuyến đê trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tập trung toàn bộ lực lượng tuần tra, kiểm tra toàn bộ các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là các tuyến đê: Tả Hoàng Long, hữu Hoàng Long, hồ Yên Thắng, Hữu Đáy... phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng phương tiện lưu thông trên các tuyến đê. Riêng tuyến đê Hữu Đáy, đoạn qua Khu công nghiệp Khánh Phú, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động bố trí chốt kiểm tra tải trọng xe, hoạt động 24h trong ngày vào những đợt kiểm tra cao điểm.

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần có những biện pháp cứng rắn hơn để xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng, không để vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm trên địa bàn, chủ động làm việc với các hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm tự giác giải tỏa. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, cần tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các vi phạm vượt thẩm quyền của UBND các huyện đề nghị báo cáo UBND tỉnh để yêu cầu các tổ chức, cá nhân có vi phạm tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, ban quản lý các khu, cụm công nghiệp kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp về các vi phạm liên quan đến sử dụng đất, thực hiện quyết định cấp phép xây dựng, chứng nhận đầu tư, tác động môi trường... theo thẩm quyền.

Đi đôi với biện pháp trên, để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Ninh Bình cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí trên 2.456 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, hạ tầng giao thông đa mục tiêu gắn với đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai với phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng gắn với phát triển du lịch như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển huyện Kim Sơn, nuôi trồng thủy sản vùng trũng Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô; quan tâm đầu tư công trình tưới cho cây trồng cạn các vùng Nho Quan, Tam Điệp. Đầu tư công trình thủy lợi âu Kim Đài giữ nước ngọt, ngăn mặn phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân ở 6 huyện, thành phố khu vực phía Nam tỉnh Ninh Bình đang được xây dựng.

Ngoài ra, các công trình phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, nhất là các tuyến đê biển Bình Minh III, Bình Minh IV, tuyến đê sông Hoàng Long, đê hữu sông Đáy, đê sông nội đồng (sông Vạc, sông Bến Đang, sông Mới), đê bối, hệ thống kè, cống trọng yếu và cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ Nho Quan, Gia Viễn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ hệ thống đê điều. Tăng cường phối hợp với các lực lượng công an, giao thông vận tải, các địa phương trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, vì cuộc sống an toàn của chính mình và cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng chống thiên tai. Nếu phát hiện vi phạm công trình đê, kè, thủy lợi..., người dân cần báo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-de-dieu-nhiem-vu-cap-bach-va-lau-dai-ky-3-nang-cao/d20210910080548571.htm