Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội ở Mường Vang

Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Nhờ lưu giữ được giá trị văn hóa đặc sắc nên các lễ hội nơi đây thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Nhờ lưu giữ được giá trị văn hóa đặc sắc nên các lễ hội nơi đây thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Từ năm 2018 đến nay, lễ hội Rước Bụt Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) được tổ chức lại với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút người dân và du khách tham dự.

Tổ chức trong 2 ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng, lễ hội Đình Khói, xã Ân Nghĩa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Đây là sự kiện văn hóa lớn của vùng Mường Khói. Các nghi lễ của lễ hội được thực hiện đầy đủ, gồm nghi lễ rước kiệu đón Mệ Vua Hoàng Bà về dự lễ; Đè Đình lấy "khước” may mắn được mùa trong năm mới; đua ngựa. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phần hội với chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian diễn ra tạo không khí vui tươi, sôi nổi: thi hát đúp giao duyên, thường rang, bộ mẹng, xéc bùa; thi đè khà, ném còn, đánh mảng, bán nỏ, đẩy gậy và bóng chuyền.

Bên cạnh các lễ hội được duy trì tổ chức hàng năm, như: lễ hội đình Cổi - xã Vũ Bình; lễ hội đền Băng - xã Ngọc Lâu; lễ hội đình Khênh - xã Văn Sơn…, trong huyện có một số lễ hội định kỳ 3 năm tổ chức một lần cũng rất đặc sắc, như lễ hội Xuống đồng - xã Yên Phú; lễ hội Đu Mường Vôi - thị trấn Vụ Bản; lễ hội Rước Bụt Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa. Đặc biệt trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, lễ hội Đu Mường Vôi và lễ hội Rước Bụt Khụ Dúng đã diễn ra. Nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh đã nô nức đến với lễ hội, con em ở xa cũng trở về dịp này. Anh Cao Thanh Tùng, du khách Hà Nội chia sẻ: Qua thông tin từ bạn bè, tôi đã về tham dự lễ hội Rước Bụt Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa. Tôi thấy tín ngưỡng thờ Bụt của bà con vùng Mường nơi đây rất độc đáo, mang giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn, tôi được tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, đặc biệt là được "cháy” cùng đam mê môn thể thao bóng chuyền của người dân qua giải đấu tranh cúp bóng chuyền Rước Bụt.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lạc Sơn, trên địa bàn hiện có 23 di tích khảo cổ, di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, nhiều di tích tiêu biểu có giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng gắn liền với các lễ hội mang giá trị tâm linh, tín ngưỡng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trên hành trình khám phá, trải nghiệm giá trị văn hóa bản địa. Gần đây, cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, huyện dành sự quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đó, công tác phục dựng lễ hội được quan tâm, một số điểm di tích được đầu tư, tôn tạo. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã trình cấp có thẩm quyền công nhận 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, gồm di tích đình Băng - xã Ngọc Lâu, di tích đình Khênh - xã Văn Sơn, di tích đình Khói - xã Ân Nghĩa.

Là một trong bốn vùng Mường Hòa Bình nổi tiếng, bên cạnh nét văn hóa đậm đà bản sắc, các sự kiện lễ hội gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được tổ chức vừa nhằm phát huy truyền thống tôn kính tổ tiên, hướng về nguồn cội, vừa thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ngoài đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân, các lễ hội còn là môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, nhắc nhở mọi người yêu lao động, biết quý trọng thành quả sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/186971/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cua-le-hoi-o-muong-vang.htm