Bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu

Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành có phong tục thờ Mẫu Tam phủ khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử, xã hội sâu xa. Việc bảo tồn và phát huy di sản này được rất tỉnh chú trọng.

Hình ảnh mô phỏng "Tín ngưỡng thờ Mẫu" và nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Hình ảnh mô phỏng "Tín ngưỡng thờ Mẫu" và nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng bản địa lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho con người. Thờ cúng Mẫu Tam phủ, Tứ phủ - một tín ngưỡng chung của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Vĩnh Phúc có tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là 1 trong 3 tín ngưỡng cổ nhất ở vùng Bắc Bộ, là biểu tượng văn hóa của tỉnh.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trên địa bàn tỉnh có 1.303 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm các loại hình đình, đền, chùa, am, miếu, cầu, quán, tháp… Trong đó, có 509 di tích đã được xếp hạng các cấp, gồm 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 65 di tích cấp quốc gia và 441 di tích cấp tỉnh.

Giống như đa số các di tích ở đồng bằng Bắc Bộ, hệ thống di tích ở Vĩnh Phúc cũng tập trung phản ánh về các tôn giáo, tín ngưỡng phổ biến như phật giáo, tín ngưỡng thờ thần, thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ở Vĩnh Phúc, ít có đền thờ Mẫu Tam phủ riêng biệt, chủ yếu là được phối thờ trong các di tích. Nhưng hiện tại có đến 39 di tích thờ Mẫu nằm tập trung chủ yếu ở các huyện, thành phố Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Yên.

Các di tích này đều dành những khu, cung thờ Mẫu khá uy linh và hầu hết đều có lai lịch hành trạng gắn với thời kỳ Hùng Vương, khởi nghĩa Hai Bà Trưng…; hình tượng Mẫu được gắn với các yếu tố lịch sử, giúp nước, an dân, có sắc phong tên tuổi, địa chỉ rõ ràng và được thờ như một vị danh nhân, danh tướng.

Những năm qua, việc thực hành di sản "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" ở Vĩnh Phúc được thừa nhận, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể này cũng được quan tâm, chú trọng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 20 câu lạc bộ hát văn, hát chầu văn - một trong những loại hình có nội dung ca ngợi về công trạng của Mẫu khi thực hành những giá hầu đồng.

Một số địa điểm, di tích thường xuyên thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, cụm di tích Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo; đền Thượng, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; đền Đuông, xã Bồ Sao, đền Bàn Giang, xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường… nhằm ca ngợi công lao, tri ân công đức của Mẫu; đồng thời truyền bá, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc này tới thế hệ trẻ.

Việc đăng cai tổ chức liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn; tổ chức các hội thi và tham gia liên hoan tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng hằng năm cũng được ngành Văn hóa quan tâm, từ đó tuyên truyền, quảng bá nét văn hóa độc đáo trong giữ gìn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu tại Vĩnh Phúc.

Nhận thức rõ giá trị của di sản, đặc biệt là tín ngường thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), hầu hết các di tích thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh đều được chính quyền địa phương và nhân dân bảo tồn khá nguyên vẹn; nhiều nghệ nhân đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" đã được đề nghị ghi danh.

Sở VH-TT&DL cũng triển khai thực hiện Nghị quyết 71 về quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 nhằm nâng cao ý thức của nhân dân cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh, “Tín ngưỡng thờ Mẫu” được trưng bày khá quy mô, có nhiều tư liệu, hiện vật đặc sắc với khu chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị" nhằm thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Chính phủ cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh. Nội dung trưng bày có tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên - Tam Đảo; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt và bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Với gần 300 hình ảnh, hiện vật được trưng bày kết hợp với các hình ảnh mỹ thuật sinh động giúp công chúng nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên - Tam Đảo, qua đó, giúp các thế hệ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, hằng năm, Sở VH-TT&DL triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản và các văn bản của Nhà nước về quản lý di tích bằng nhiều hình thức khác nhau như thông tin, tuyên truyền trên các tạp chí, tập san, bản tin, tổ chức mở các lớp tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu luật và các văn bản của Nhà nước về quản lý di tích cho các đối tượng có liên quan đến công tác này.

Từ đó, nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương và nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị di văn hóa phi vật thể, trong đó có việc thực hành các tập quán xã hội và tín ngưỡng bao gồm việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/74729/bao-ton-va-phat-huy-di-san-tin-nguong-tho-mau.html