Bảo tồn và lan tỏa di sản nghệ thuật Bài Chòi đến với cộng đồng

Nhiều năm qua, cùng với các tỉnh thành ở khu vực Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp và các chính sách để bảo tồn di sản nghệ thuật Bài Chòi đến với cộng đồng. Nhờ vậy nên di sản nghệ thuật Bài Chòi đã được lan tỏa sâu rộng vào trường học, cộng đồng dân cư và được đông đảo học sinh, người dân, du khách tìm hiểu, thực hành góp phần phát huy giá trị di sản này.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng) là loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính gồm chơi Bài Chòi và trình diễn Bài Chòi. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

Các thành tố văn hóa nghệ thuật thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục trong nghệ thuật Bài Chòi được chuyển tải giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt văn hóa thiết yếu và phổ biến khắp miền Trung. Vì thế mà từ năm 2017, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, nhiều địa phương ở địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi (2019- 2023) khi có sự tham gia của đông đảo nghệ nhân và người dân. Điển hình như tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) thường xuyên tổ chức chương trình “chợ quê ngày hội” bên cạnh di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn. Tại đây, ngoài các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, du khách và người dân còn có cơ hội được xem các nghệ nhân diễn xướng nghệ thuật Bài Chòi.

Ông Trần Duy Đối, một nghệ nhân hò Bài Chòi ở xã Thủy Thanh cho biết, thực hành nghệ thuật di sản Bài Chòi ở Huế có những đặc trưng riêng với các điệu hò, vè ở các tỉnh thành khác. Các làn điệu của Bài Chòi gần gũi với người dân thôn quê ở vùng đất Cố đô. “Có thể khẳng định rằng, những dịp giao lưu sinh hoạt Bài Chòi đã trở thành niềm vui sống, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ngoài trình diễn Bài Chòi, chúng tôi còn chú trọng đến việc bảo vệ các hình thức thực hành Bài Chòi bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho lớp trẻ.Qua đó ngày càng lan tỏa di sản nghệ thuật Bài Chòi đến với cộng đồng”, ông Đối chia sẻ.

Các nghệ nhân diễn xướng Bài Chòi bên di tích cầu ngói Thanh Toàn.

Ngoài xã Thủy Thanh, tại thị xã Hương Thủy đã thành lập 6 câu lạc bộ Bài Chòi để phát huy giá trị di sản. Với tính linh hoạt, thích nghi cũng như ngẫu hứng, Bài Chòi đã thu hút đông đảo người dân nông thôn tham gia tập luyện. Những nghệ nhân cao tuổi đích thân hướng dẫn cho các thế hệ trẻ thực hành Bài Chòi một cách thuần thục. Đặc biệt trong 5 năm qua, có hơn 200 giáo viên và học sinh trên địa bàn thị xã Hương Thủy được tập huấn bài bản về Bài Chòi. Nhiều trường học đã đưa Bài Chòi vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh thực hành. Điển hình như Trường THCS Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) đã lồng ghép bảo tồn di sản Bài Chòi vào giáo dục ngoại khóa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, mặc dù quá trình triển khai đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, việc duy trì đội ngũ nghệ nhân có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực Bài Chòi đang đặt ra nhiều thách thức khi đội ngũ nghệ nhân ngày càng lớn tuổi. Trong khi đó lực lượng nghệ nhân, học viên trẻ, những người biết hát Bài Chòi ngày càng ít dần, dẫn đến di sản nghệ thuật Bài Chòi đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Bên cạnh đó, môi trường diễn xướng cho loại hình di sản Bài Chòi chưa nhiều, số đông du khách ít am hiểu về di sản Bài Chòi, các chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thật sự thu hút đông người tham gia. Hầu hết các nhóm, câu lạc bộ thực hành Bài Chòi dân gian trên địa bàn tỉnh hoạt động tự nguyện. Công tác truyền dạy ở các câu lạc bộ còn hạn chế, chủ yếu truyền dạy lời hò giữa các thành viên trong gia đình, làng xã.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, ngành văn hóa và các đơn vị liên quan cần tiếp tục xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030. Đặc biệt chú trọng đến công tác truyền dạy cho đội ngũ kế cận, bởi số lượng các nghệ nhân am hiểu về thực hành di sản Bài Chòi không còn nhiều.

Đặc biệt Sở VH&TT cần phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh đưa Bài Chòi vào môi trường học đường để lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức về giữ gìn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/bao-ton-va-lan-toa-di-san-nghe-thuat-bai-choi-den-voi-cong-dong-i726463/