Bảo tồn, phát huy giá trị các khu cổ tại Huế

Tại hội thảo khoa học 'Bảo tồn và phát huy giá trị các khu cổ tại Huế', các nhà nghiên cứu tiếp tục lên tiếng về những giải pháp để đánh thức tiềm năng du lịch ở khu vực này…

Ngày 22/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các khu cổ tại Huế”.

Theo báo cáo tại hội thảo, trong tiến trình phát triển đô thị, các khu phố cổ tại Huế mang những giá trị về kiến trúc độc đáo, đa dạng, phản ảnh đời sống tinh thần của cư dân qua các thời kỳ. Với các ngành nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn với quá trình đô thị hóa của vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các khu cổ tại Huế”, ngày 22/12. Ảnh: TCDL

Mặc dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, bảo tồn để phát huy giá trị, tuy nhiên làm như thế nào để bảo tồn di sản, đồng thời phát huy giá trị để đảm bảo lợi ích cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế vẫn là bài toán khó.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu tiếp tục có ý kiến đóng góp về thiết chế các khu phố cổ ở Huế; vai trò của các khu phố cổ trong việc hình thành di sản văn hóa; các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các khu phố cổ; phát huy giá trị các khu phố cổ trong phát triển du lịch...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh và ThS Trần Thị Tuyết Nhung, những đặc điểm cổ kính nhất của di sản đô thị Huế, thương cảng Thanh Hà - Bao Vinh không chỉ để lại dấu ấn tụ cư, lập nghiệp mà còn nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Đó là những di sản lịch sử - văn hóa cần được điều tra, đánh giá tổng thể để có những giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Cho rằng, khu vực phố cổ Chi Lăng - Gia Hội được ví như “Hội An giữa lòng thành phố Huế”, ThS Võ Sỹ Châu và ThS Lê Văn Thanh Hùng nhận định, tại khu phố cổ này tập trung đa dạng các loại hình kiến trúc, mà nhà ở thương mại đã tạo nên nét đặc trưng riêng, lưu dấu quá trình phát triển đô thị Việt Nam từ thời nhà Nguyễn đến nay.

Hai tác giả đánh giá, nếu biết khai thác các giá trị đặc trưng của các công trình khu vực phố cổ Chi Lăng - Gia Hội, sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách như cách mà phố cổ Hội An đã làm được.

Khu phố cổ Bao Vinh. Ảnh: Nguyễn Phong

Để bảo tồn và phát triển các khu phố cổ, PGS.TS Nguyễn Văn Đăng cho rằng cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm về những điều làm được và chưa làm được khi triển khai dịch vụ phố đêm ở đường Chi Lăng, Bạch Đằng…

Trong đó, vấn đề trang trí, bố cục không gian kiến trúc gắn với các điểm di sản, giao thông, vệ sinh ở phố cổ, hàng hóa lưu niệm… gắn với không gian tâm linh, dân dã, môi trường sống của cư dân cần phải được hết sức chú ý đúng mức.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã cố gắng triển khai một số hoạt động nhưng hiệu quả đạt được chưa được bao nhiêu.

Do đó, nhận thức về các giá trị di sản phố cổ, quyết tâm triển khai chương trình, chủ trương lớn về du lịch, làm phong phú hơn những loại hình du lịch dịch vụ là công việc đòi hỏi giới làm du lịch Huế phải thực sự quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Huế Phan Thiên Định cho biết, thời gian qua, chính quyền thành phố đã cho triển khai các đồ án nghiên cứu để bảo tồn, phát triển phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, Chi Lăng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần có sự thận trọng trong nghiên cứu để đưa ra định hướng phát triển. Sau quá trình chuẩn bị, vào năm 2024, TP Huế sẽ bắt đầu cho triển khai để lập dự án, chỉnh trang, tái thiết lại khu vực phố cổ Bao Vinh.

Những ngôi nhà cổ ở khu phố cổ Gia Hội đang mất dần. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Song song với đó, thành phố sẽ triển khai quyết liệt để thực hiện đúng và tốt đồ án quy hoạch sông Hương, khu vực công viên và đường Trịnh Công Sơn. Trên cơ sở triển khai khu vực đường và công viên Trịnh Công Sơn, sẽ tạo ra một nền tảng để phát huy, khai thác khu vực phố cổ Chi Lăng.

Ông Phan Thiên Định hy vọng trong năm 2024 có thể có những khởi động để triển khai các dự án cụ thể cho một số khu vực này. Sau đó, các năm tiếp theo sẽ tiến hành khai thác, phát huy, phát triển các dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó tạo công ăn, việc làm và giúp cho người dân có thêm các thu nhập tốt hơn từ việc bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của các khu phố cổ.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-cac-khu-co-tai-hue-post277892.html