Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể ở Vĩnh Phúc đa dạng với nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian.

Vĩnh Phúc có 7 di sản văn hóa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm Hát ca trù, Lễ hội kéo song Hương Canh, Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát Trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tỉnh quan tâm đặc biệt với việc ban hành nhiều đề án, chương trình hành động; hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và công nhận các loại hình di sản văn hóa… góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Thờ Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương mà là tín ngưỡng mang tính quốc gia; là biểu tượng văn hóa của Vĩnh Phúc, di sản mang giá trị về lịch sử, văn hóa, về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm

Cứ vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Sán Dìu cùng nhân dân huyện Tam Đảo, du khách thập phương lại tưng bừng trong sắc cờ, náo nức cùng tiếng trống, chiêng trong Lễ hội Tây Thiên dâng lên Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính

Năm 2014, Lễ hội Kéo song Hương Canh được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và trở thành lễ hội truyền thống của người dân Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Giêng hằng năm để biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Lễ hội Rước kiệu ngày 10 tháng 9 âm lịch hằng năm ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường vẫn được bảo tồn, phát huy

Lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Lễ hội là sự hội tụ sức mạnh của cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình, hạnh phúc, no ấm của những người dân vùng đất bãi ven sông, trở thành cây cầu tâm linh kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ tả - hữu sông Hồng

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Phấn, thôn Giáp Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô dù tuổi cao nhưng với tình yêu làn điệu Trống quân, ông vẫn muốn lưu giữ và truyền dạy nghệ thuật hát Trống quân cho thế hệ trẻ

Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, các câu lạc bộ Soọng cô tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đều tổ chức giao lưu, tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng

Trước nguy cơ hát ca trù có thể bị thất truyền, Trung tâm Văn hóa-Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Câu lạc bộ ca trù nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát ca trù ở Vĩnh Phúc

Chùm ảnh của Trà Hương - Kim Ly

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/goc-anh/71762/bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the.html