Bảo tồn, lan tỏa bản sắc văn hóa của các dân tộc rất ít người

Ngày hội Văn hóa Các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, sẽ được tổ chức từ ngày 3-5/11 tại Lai Châu, nhằm tôn vinh, phát huy và lan tỏa giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người.

Người dân đồng bào dân tộc Bố Y, xã Lao Chải, thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày hội Văn hóa Các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3-5/11 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Lan tỏa giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người

Ngày hội Văn hóa Các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất có chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người."

14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái ở 13 địa phương, gồm Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum, sẽ tham dự Ngày hội.

Ngày hội sẽ gắn với Tuần Du lịch-Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023. Sự kiện này sẽ bao gồm các hoạt động như: Dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu; khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại Ngày hội; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội; khai mạc Ngày hội và Tuần Du lịch-Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023.

Lễ nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Ngày hội còn có các hoạt động như liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn của Đoàn Nghệ thuật Quần chúng tỉnh Tuyên Quang...

Ngày hội Văn hóa Các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm tôn vinh, phát huy và lan tỏa giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Đảng, Nhà nước ta xác định văn hóa của đồng bào dân tộc là di sản quý báu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng.

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa Các dân tộc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người, như Bố Y, Pu Péo, Ơđu, Brâu, Rơmăm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La… do chính các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Các hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lễ hội Tết 'Lấp lỗ' của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện đã có 3 bảo tàng trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn 2016-2018, có 4 Di tích Quốc gia Đặc biệt, 8 Di tích Lịch sử-Văn hóa, Danh lam Thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng Di tích Quốc gia.

Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và năm 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Ngoài ra, các địa phương đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Nhiều cuốn sách về bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa; từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa-du lịch, điểm văn hóa-du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, việc phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với du lịch càng ngày càng thể hiện những ưu thế riêng. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn đặc sắc, đậm hương vị vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số chính là những lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Việc phát triển du lịch từ chính vốn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả, nhất là mô hình du lịch cộng đồng (homestay) ở các bản, buôn làng. Mô hình này thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến trải nghiệm, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân bản địa. Qua đó, người dân có thêm nhiều cơ hội thoát nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đặc biệt là có điều kiện phát huy các giá trị văn hóa bản địa./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bao-ton-lan-toa-ban-sac-van-hoa-cua-cac-dan-toc-rat-it-nguoi/901694.vnp