Bảo tồn đặc sắc văn hóa Chăm trước nguy cơ mai một

Nhiều ý kiến tâm huyết và giá trị về việc giữ gìn những nét đặc sắc văn hóa Chăm đã được bàn luận tại hội thảo “Văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước” - một trong những hoạt động quan trọng nhất trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm diễn ra tại huyện An Phú, An Giang từ 15 - 17.7.

Chị Phạm Hoàng Yến nhân viên bảo tàng tỉnh An Giang giới thiệu phòng cưới của người Chăm An Giang. Ảnh: V.V

Khi phụ nữ Chăm “vượt rào”

Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Chăm đã được đưa vào nhiều tham luận từ tổng quan đến chi tiết. “Những dấu ấn của văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt” của thạc sĩ Phạm Thị Huệ (Trường Cao đẳng Cần Thơ) nhấn mạnh 3 khía cạnh: Dấu ấn văn hóa Chăm trong đạo Mẫu, dòng tín ngưỡng du nhập từ Chiêm Thành vào VN rồi Việt hóa dần; Dấu ấn văn hóa Chăm trong kiến trúc, điêu khắc với những ngôi tháp Chăm cổ kính xây dựng bằng đất nung độc đáo ở các công trình lớn như khu di tích đền tháp Mỹ Sơn, khu di tích phật giáo Đồng Dương, thành đồ bàn hệ thống Tháp Chăm ở Bình Định, tháp nhạn ở Phú Yên, tháp Bà Pô Inư Nagar ở Nha Trang… Dấu ấn văn hóa Chăm trong kinh tế với các công trình thủy lợi, hồ, đập vẫn còn phát huy giá trị tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Trung Bộ và các làng nghề truyền thống như làng gốm Bầu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp…

Một nội dung rất đáng chú ý là “Sự biến đổi về vai trò và quyền của phụ nữ Chăm Hồi giáo Islam ở An Giang” của thạc sĩ Liêu Ngọc Ân (Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang). Hơn nửa thế kỷ trước, người Chăm Islam An Giang có tính chất nam quyền, phân biệt đối xử với nữ giới: Con trai khi trưởng thành vẫn giữ đặc quyền vào thánh đường cầu kinh, hưởng phần gia tài gấp đôi con gái; người cha có quyền gả bán con gái. Vai trò phụ nữ Chăm hoàn toàn bị che khuất sau chiếc khăn trên mặt và bức màn tơ sau cánh cửa buồng, bị ngăn cách giao tiếp với xã hội…

Theo thời gian, nhiều luật tục bị xóa bỏ và tự đào thải, bản thân sự vùng dậy, “phá rào” của phụ nữ Chăm là rất đáng kể. Sự kiện Ngày hội Văn hóa Chăm lần đầu tiên diễn ra năm 1990 ở An Giang có sự tham gia của những cô gái Chăm như khởi đầu cho quá trình “tháo cũi sổ lồng” của họ… Từ thụ hưởng văn hóa, phụ nữ Chăm còn đấu tranh giành quyền đi học. Sau thập niên 1990, trong cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam đã có nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học.

Trả lại nguyên trạng ngôn ngữ Chăm

Ông Thập Liên Trưởng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận - đưa ra sự bức thiết bảo tồn, trả lại nguyên trạng cấu trúc ngôn ngữ chữ viết Chăm. Theo đó, sau ngày giải phóng, Ban biên soạn sách chữ Chăm đã thay đổi, phá vỡ quy tắc vần tiếng Chăm như thêm vào hệ thống phụ âm cuối - một đơn vị ngoài hệ thống và hàng loạt đơn vị ngữ âm khác xóa hẳn âm đệm Takai Kuak làm thế hệ hôm nay không thể đọc được mà thừa hưởng tri thức khoa học cũng như tri thức dân gian để lại trong hàng ngàn trang thư tịch bằng Akhar Thrah.

Giá trị thư tịch viết tay của người Chăm cũng cần được phát huy, theo ông Bá Minh Truyền (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận), cần tổ chức lớp tập huấn về phương pháp bảo quản thư tịch cho người dân; truyền dạy kỹ thuật viết chữ trên lá buông cho tầng lớp chức sắc; đầu tư kinh phí thuê chuyên gia đọc và dịch thư tịch đang lưu trữ sang tiếng Việt để xuất bản sách; đồng thời xây dựng thư viện điện tử tra cứu trực tuyến thư tịch cổ để phổ biến rộng rãi di sản văn hóa phi vật thể quý hiếm của người Chăm…

Bên cạnh đó là các ý kiến khai thác giá trị văn hóa Chăm phục vụ du lịch như xây dựng những tuyến du lịch các di tích lịch sử văn hóa Chăm, phục dựng một số lễ nghi quan trọng như lễ tế thần thủy, lễ cầu đảo…; bảo tồn âm nhạc Chăm ở Đồng Nai; bảo tồn các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm gắn với du lịch…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/bao-ton-dac-sac-van-hoa-cham-truoc-nguy-co-mai-mot-573887.bld