Báo tin giả, hậu quả thật

ĐTO - Báo tin giả để che giấu gia đình vì lỡ đem tiền vào những canh bạc, những cuộc chơi quá đà hoặc báo tin giả chỉ để chọc phá cơ quan Công an. Một số người có rất nhiều lý do để bao biện cho hành vi báo tin giả nhưng họ lại không nghĩ đến những hệ hụy đằng sau những thông tin sai lệch đó.

Hiện trường giả vụ cướp tài sản ở huyện Thanh Bình

Thông thường, khi tiếp nhận 1 tin báo về tình hình an ninh trật tự (ANTT), nhất là các vụ việc có tính chất gây hoang mang dư luận thì ở bất cứ thời điểm nào, trong điều kiện thời tiết ra sao, lực lượng Công an cũng phải nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, khám phá nhanh vụ việc nhằm ổn định dư luận, tránh thông tin trái chiều, lan rộng trên mạng xã hội, cản trở đến hoạt động điều tra. Chính vì vậy, trong trường hợp người dân báo tin giả đến cơ quan Công an thì không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở địa phương mà còn làm mất nhiều thời gian, công sức của lực lượng Công an cho hoạt động điều tra. Đối với người báo tin giả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín đối với gia đình, bạn bè, đối tác làm ăn, thậm chí là theo quy định của pháp luật, việc báo tin giả có thể chịu án cao nhất lên đến 7 năm tù.

Vừa qua, Công an huyện Thanh Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với ông Đoàn Văn Tám (SN 1967) cư trú xã Hòa An, TP Cao Lãnh về hành vi “báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Trước đó, vào tối 29/12/2023, Công an huyện Thanh Bình nhận được tin báo của ông Tám bị cướp tài sản bởi 1 nhóm thanh niên đi trên 2 xe mô tô tại đoạn đường lộ mới thuộc Ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình. Qua làm việc, Công an huyện phát hiện trong lời khai của người báo tin có nhiều điểm nghi vấn, bất thường. Qua đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ, ông Tám thừa nhận hành vi đá gà ăn thua bằng tiền và thua hết 34 triệu đồng nên nảy sinh ý định ngụy tạo hiện trường bị cướp tài sản với mục đích lừa dối gia đình và cơ quan Công an.

Trung tá Trần Anh Kiệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Thanh Bình, cho biết: “Thời gian qua, Công an huyện có tiếp nhận, xử lý 6 vụ việc báo tin giả về việc bị trộm cắp tài sản và cướp tài sản với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng tự tạo hiện trường giả như tự giật ổ khóa cửa tủ, làm vung vãi quần áo hoặc tự tạo ra các vết trầy xước trên thân thể để dựng chuyện bị trộm cắp, cướp tài sản nhằm mục đích che giấu nợ cá nhân, lấy lòng tin trong việc làm ăn từ mọi người xung quanh hoặc muốn lấy tiền của người nhà. Hiện nay, một số người vẫn nghĩ rằng, việc báo tin giả sẽ không bị xử lý nên đã khai báo không đúng sự thật”.

Công an huyện Tam Nông cũng vừa điều tra, khám phá vụ tạo hiện trường giả cướp tài sản do Nguyễn Thanh Lộc (SN 1997) và Võ Văn Tuấn (SN 1998) cùng ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông thực hiện. Trước đó, ngày 30/12/2023, Lộc và Tuấn cùng bạn bè đi nhậu ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Sau khi nhậu xong, do không mang theo tiền để trả nên Lộc và Tuấn để lại quán 1 xe mô tô, 2 điện thoại di động và 1 sợi dây chuyền. Trên đường về nhà, cả 2 lo sợ gia đình phát hiện sự việc nên khi đến đoạn đường vắng thuộc ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông bàn bạc báo tin giả là bị cướp tài sản. Sáng hôm sau, Lộc đến Công an xã Tân Công Sính trình báo bị cướp tài sản. Tuy nhiên, qua công tác xác minh, đấu tranh, lực lượng Công an đã chứng minh được tin báo của Lộc là hoàn toàn bịa đặt. Tin báo giả tưởng đơn giản nhưng khi vụ việc được phanh phui đã khiến gia đình không chỉ mất niềm tin vào Lộc mà còn bị cơ quan Công an xử lý hành vi này.

Việc cố ý tố giác, báo tin giả đến cơ quan có thẩm quyền là hành vi trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, người báo tin giả có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi đó gây ra. Hành vi này được quy định cụ thể tại điểm c, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đối với cá nhân có hành vi báo tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 2 triệu - 3 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân nào bịa đặt, vu khống người khác có hành vi phạm tội và tố cáo họ đến cơ quan có thẩm quyền, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Trung tá Trần Anh Kiệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Thanh Bình cho biết thêm: “Khi cần báo tin về tình hình ANTT ở địa phương, người dân cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin, xác minh tính chân thật của vụ việc. Nếu xảy ra vụ việc có thật cần nhanh chóng báo với lực lượng Công an để kịp thời, phát hiện, điều tra xử lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh phân tích các vấn đề thật khách quan, không nên vụ lợi hay vì mục đích cá nhân mà trình báo thông tin giả, thông tin sai sự thật đến các cơ quan chức năng. Nếu cố tình vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất, mức độ hành vi. Ngay cả việc đưa lên mạng xã hội cũng vậy, mỗi người dân hãy cân nhắc, không loan tin trên các trang mạng khi thông tin chưa được kiểm chứng. Các hành vi đưa thông tin giả cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Dưới tốc độ lan truyền thông tin nhanh như hiện nay, việc báo tin giả hay đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội sẽ gây ra nhiều tác hại, hệ lụy khôn lường. Do vậy, để người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về tin báo tố giác tội phạm và những thông tin có liên quan đến tình hình ANTT ở địa phương, lực lượng Công an phải thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về những ảnh hưởng, hậu quả khi báo tin giả, đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội cùng với áp dụng những biện pháp giáo dục, răn đe, xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời thông tin, hướng dẫn đến người dân quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình ANTT.

Báo tin nhanh, kịp thời, chính xác đến cơ quan Công an là hành động luôn được khuyến khích, nhất là trong các vụ phạm pháp hình sự, tuy nhiên báo tin giả, tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, mọi công dân khi báo tin cần bình tĩnh, khai báo đúng sự thật để tạo mọi điều kiện cho các hoạt động tiếp nhận thông tin, điều tra của lực lượng chức năng được thực hiện đúng quy trình, kịp thời và hiệu quả.

Thanh Thảo

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/bao-tin-gia-hau-qua-that-119897.aspx