Bảo Thắng phát huy vai trò của y tế thôn, bản

Trong những năm qua, đội ngũ y tế thôn, bản trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã phát huy tốt vai trò chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Tân Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng) đã có 10 năm gắn bó với công tác y tế thôn, bản. Đối với bà con nơi đây, anh Sinh là người năng nổ, tận tâm trong công việc. Những đóng góp của anh đã góp phần giúp thôn Tân Thượng trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các tiêu chí về môi trường, y tế. Hiện tất cả các hộ trong thôn có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp lý; 100% trẻ được tiêm chủng đầy đủ.

Đội ngũ y tế thôn, bản đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp Trạm Y tế xã Trì Quang hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Hà Văn Vĩnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trì Quang cho biết: Đội ngũ y tế thôn, bản trên địa bàn xã đều được đào tạo ít nhất trong thời gian 6 tháng đến 2 năm. Họ đang phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình như thông tin các chương trình y tế dự phòng, tuyên truyền cho người dân thực hiện vệ sinh môi trường thôn, bản, nhà ở; giao ban tại trạm y tế để báo cáo tình hình ở khu dân cư cũng như triển khai các nhiệm vụ mới. Nhờ vậy, trên địa bàn xã Trì Quang trong nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra, tỷ lệ trẻ tiêm chủng luôn đạt hơn 95%.

Tuy nhiên, tại xã Trì Quang, 2 thôn xa và khó khăn nhất của xã là Cầu Nhò và Làng Đào 2 vẫn thiếu y tế thôn, bản. Để khắc phục hạn chế này, Trạm Y tế xã Trì Quang đã phối hợp với các trưởng thôn, bí thư chi bộ để họ giúp đỡ việc triển khai các chương trình y tế dự phòng, đồng thời cử cán bộ phụ trách thôn thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình.

Y tế thôn bản đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông các chương trình y tế dự phòng.

Để phát huy vai trò của y tế thôn, bản trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh ở địa phương, đội ngũ y tế thôn, bản được tham gia khóa đào tạo của Sở Y tế trong thời gian từ 6 tháng trở lên. Họ được học lý thuyết các bộ môn như chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cứu, cấp cứu; y học cổ truyền; kế hoạch hóa gia đình; kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư… Sau đó, các học viên có 2 tháng thực hành tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng và thực tế cộng đồng tại các trạm y tế xã để nâng cao kỹ năng, kiến thức.

Ông Hà Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng cho biết: Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng được Sở Y tế lựa chọn là đơn vị phối hợp đào tạo đội ngũ y tế thôn, bản đã nhiều năm nay. Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để y tế thôn, bản học hỏi kinh nghiệm tại các khoa, phòng của bệnh viện. Kết thúc thời gian đào tạo, y tế thôn, bản được đánh giá đúng năng lực để có thể trở về làm tốt nhiệm vụ tại địa phương.

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện còn 12 thôn thiếu y tế thôn, bản. Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng cho biết: Hoạt động của các cán bộ y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện việc tuyển dụng y tế thôn, bản có yêu cầu cao hơn về trình độ nên khó khăn để lựa chọn nhân tố tại địa phương. Bên cạnh đó, mức phụ cấp hằng tháng của y tế thôn, bản rất thấp (hơn 600 nghìn đồng/tháng) trong khi công việc của đội ngũ này, đặc biệt là ở các thôn vùng cao lại rất vất vả, cần nhiều thời gian.

Công việc vất vả, phụ cấp ít nhưng đội ngũ y tế thôn, bản của huyện Bảo Thắng vẫn đang nỗ lực cống hiến trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Họ mong muốn được kiêm nhiệm thêm một số công việc có phụ cấp ở thôn để có thêm thu nhập hoặc Nhà nước sẽ có những chính sách thích hợp để động viên, khuyến khích họ gắn bó và thực hiện tốt hơn công việc của mình.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/bao-thang-phat-huy-vai-tro-cua-y-te-thon-ban-z5n20190918101029263.htm