Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ

Mở cửa trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này tại Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đón gần 1.000 lượt khách tới tham quan. Bảo tàng được xây dựng nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội - nơi lưu dấu nhiều thông tin sống động về lịch sử giai đoạn chống Mỹ cứu nước

Tọa lạc tại số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, kiến trúc nhà Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thiết kế dựa theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Bằng Giang

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được nâng cấp từ Nhà Lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang và du khách khi đến Thủ đô Hà Nội.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tọa lạc tại số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, có tổng diện tích 500m2, gồm: Diện tích trưng bày, phòng hội thảo, xem phim, đọc sách…

Kiến trúc nhà Bảo tàng được thiết kế dựa theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với những chi tiết đặc biệt lưu lại từ ký ức của các thành viên trong gia đình Đại tướng. Đây là ngôi nhà trước kia Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986 với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Là nơi gia đình Đại tướng đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Hệ thống trưng bày ngoài không gian khánh tiết còn bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 06/07; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối. Ngoài các chủ đề trên, Bảo tàng còn trưng bày các tiểu đề như: Đối ngoại; Ông tướng Du kích, Chống Chủ nghĩa cá nhân; Văn hóa - văn nghệ; Thể dục - thể thao; Đại tướng của Nông dân, Vì hòa bình mà đánh,…

Hệ thống trưng bày giới thiệu 670 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, 23 pho tượng đồng gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, 02 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà 34 Lý Nam đế và lán làm việc của Đại tướng tại Trung ương Cục miền Nam.

Tại đây cũng trưng bày trên 100 đầu sách do Đại tướng và các tác giả viết về Đại tướng. Cùng với đó là hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ khi tham gia cách mạng, về quê hương Thừa Thiên Huế, xây dựng Quân đội về chính trị, xây dựng nông nghiệp tạo tiền đề để hậu phương chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, về chiến lược, chiến thuật đánh Mỹ và thắng Mỹ,… Bảo tàng còn có nhiều hiện vật mới lần đầu tiên được công bố, điển hình như công văn của các nước gửi cho Đại tướng, các tài liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh…

Mở cửa từ 6/7/2023, đến nay Bảo tàng đã đón gần 1.000 lượt khách tới tham quan, tìm hiểu. Gồm các cán bộ, lãnh đạo tại địa phương, người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt trong đó có những người lính thuộc là các thế hệ "bộ đội Cụ Hồ", các học sinh, sinh viên đến để tìm hiểu, ôn lại lịch sự hào hùng của dân tộc với những nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước trong thời kỳ chống Mỹ.

Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, thời gian từ nay đến tháng 12/2023, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành ngày 01/01/2024 - nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng (01/01/1914 - 01/01/2024).

Mong muốn của gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Bảo tàng trở thành địa chỉ đỏ cùng các thiết chế văn hóa khác ở địa phương sẽ góp phần làm tốt công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Thủ đô và cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Công dân và Khuyến học xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - điểm đến ý nghĩa cho khách tham quan tại Thủ đô Hà Nội:

Không gian phía trong Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bằng Giang

Những góc trưng bày sống động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bằng GIang

Tượng mô phỏng Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò xuất sắc của Người - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bằng Giang

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trung bày 23 pho tượng đồng gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Bằng Giang

Những vật dụng quen thuộc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng khi ông tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi kỷ vật đều mang những kỷ niệm sâu sắc về người Đại tướng thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh Bằng Giang

Một trong số những lá thư mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho người vợ yêu quý của mình, trong những ngày xa gia đình đi hoạt động cách mạng. Đại tướng luôn gọi vợ mình bằng tên trìu mến: "Cúc" và tự xưng "Thanh" trong những lá thư đầy tình cảm yêu thương nhung nhớ vợ con. Ảnh: Bằng Giang

Những kỷ vật ghi lại hành trình cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng “văn võ song toàn” Nguyễn Chí Thanh - vị tướng gánh vác trọng trách rất lớn trong sự nghiệp của dân tộc và đất nước. Ảnh: Bằng Giang

Những ngày tháng 7 ý nghĩa này, nhiều cơ quan, đoàn thể tại địa phương cũng như du khách đã đến Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như một sự nhắc nhớ về hành trình cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Ảnh: Bằng Giang

Theo chia sẻ của nhiều người, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có giá trị lớn về ý nghĩa giáo dục, góp phần tích cực giáo dục ý thức, truyền thống lịch sử với thế hệ sau này. Đây là nơi những người lính, các học sinh cũng như du khách tới tham quan có chung niềm rung động, nhắc nhở học tập và noi theo Đại tướng. Ảnh: Bằng Giang

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế

Thời điểm này năm 2022, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế cũng đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan tại địa chỉ 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.

Cùng với Nhà trưng bày về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền), việc có thêm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - hoạt động theo mô hình ngoài công lập – đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa, lịch sử tại Thừa Thiên Huế.

Bảo tàng Lịch sử đã tiến hành bàn giao 32 hiện vật do bảo tàng sưu tầm và phục chế, như: sách, báo, vũ khí thô sơ, nồi cơm phục vụ cán bộ cách mạng... để phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại mảnh đất quê hương của Đại tướng. Đây là những hiện vật có giá trị lịch sử, phản ánh truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Vịnh (tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) trong thời gian kháng chiến chống Pháp.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế có 7 nội dung trưng bày các chủ đề về: Quê hương, Gia đình, Tuổi trẻ (1934-1937); Người Bí thư trẻ tuổi và Tổng khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế (1937-1945); Linh hồn của mặt trận Bình Trị Thiên (1946-1950); Đảng là linh hồn của Quân đội gắn với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1950-1960); Vị tướng làm Nông nghiệp (1961-1964); Khát vọng một Việt Nam thống nhất (1964-1967); Những di sản của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng gồm có 20 huân, huy chương các loại (cao quý nhất là huân chương Sao vàng, huân chương Hồ Chí Minh).

Ra đời được 1 năm, đến nay, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế đã đón và phục vụ khoảng 8.000 lượt khách tham quan, góp phần cùng các thiết chế văn hóa khác ở Thừa Thiên Huế làm tốt công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống cho khách tham quan.

Một số hình ảnh Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế:

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Bằng Giang

Cựu thủ tướng Israel Ehud Barak tới thăm và ghi lưu niệm tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Bằng Giang

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi vào hoạt động nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quê hương, đất nước, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển hệ thống các bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Bằng Giang

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - địa chỉ tham quan, du lịch ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ. Ảnh: Bằng Giang

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bao-tang-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-dia-chi-do-giao-duc-lich-su-truyen-thong-cho-cac-the-he-179230727151548273.htm