Bảo tàng chủ động tìm khách

Ngoài việc phục vụ người dân, du khách trong và ngoài nước có nhu cầu đến bảo tàng tìm hiểu, tham quan, nhiều năm qua, các bảo tàng tại TPHCM còn chủ động tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày lưu động đến với hàng trăm ngàn lượt học sinh sinh viên, thanh niên, chiến sĩ, người dân ở các quận huyện và nhiều tỉnh thành bạn. So với mặt bằng hoạt động vốn khá trầm lắng lâu nay, đây có thể xem là những cố gắng rất đáng khuyến khích của ngành bảo tàng.

Trong hai tháng cuối năm 2011, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM sẽ tổ chức đưa các triển lãm chuyên đề Bác Hồ với thiếu nhi giới thiệu với hàng ngàn lượt thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi quận 1 (tháng 11) và Nhà Thiếu nhi TPHCM (tháng 12). Một chuyên đề khác “Chủ tịch Hồ Chí Minh và giai cấp công nhân Việt Nam” sẽ được đưa đến phục vụ hàng trăm ngàn công nhân lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM trong tháng 11.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, một số chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM như Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục đã đến với thiếu nhi tại nhà thiếu nhi các quận 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức và hàng ngàn lượt sinh viên, học sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng nghề Giao thông vận tải đường thủy II.

Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, cho biết: “Năm 2011, riêng các chuyên đề trưng bày lưu động phục vụ tại các khu công nghiệp, nhà thiếu nhi, trường học đã thu hút trên 50.000 lượt người đến tìm hiểu, học tập”.

Cùng mục đích đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, phục vụ nhu cầu học tập của thanh niên, học sinh sinh viên TP, trong năm 2011, Bảo tàng TPHCM cũng đưa các chuyên đề: TPHCM - Những chặng đường lịch sử; Đại thắng mùa xuân 1975; Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam; Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - TPHCM từ 1930 đến nay triển lãm phục vụ tại một số trường học và công sở. Đặc biệt, chuyên đề Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn - TPHCM từ 1930 đến nay được Bảo tàng TPHCM mới xây dựng nhằm thực hiện Năm Thanh niên, năm vì trẻ em đồng thời là mục tiêu của chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Một trong những đơn vị năng động, linh hoạt trong việc tổ chức trưng bày lưu động phục vụ người dân là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Năm 2011, bảo tàng có khá nhiều hoạt động ấn tượng như tổ chức trưng bày lưu động “Ký ức chiến tranh” (của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành) nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam/dioxin tại Việt Nam về phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện biên giới miền núi A Lưới tỉnh Thừa Thiên - Huế; phối hợp với Bộ đội biên phòng TPHCM, Đồn biên phòng 554 tổ chức trưng bày “Trẻ em Việt Nam trong khói lửa chiến tranh” phục vụ hơn 4.000 lượt cán bộ chiến sĩ, trẻ em tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ; phối hợp với Ban Quản lý di tích Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) triển lãm và giao lưu văn nghệ “Tình yêu trong chiến tranh” phục vụ gần 8.500 lượt người dân và du khách.

Ngoài ra, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn là đơn vị “đặt hàng” nhiều chuyên đề khá đặc thù của các tỉnh thành như Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu. “Năm 2011, bảo tàng phối hợp tổ chức 12 cuộc triển lãm lưu động, tăng 25% so với năm trước, nhằm đưa bảo tàng đến gần hơn nữa với người dân vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, phục vụ ngày càng sâu rộng hơn cho các tầng lớp người dân”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/11/272274/