Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Điểm đến hấp dẫn trong hành trình trở lại chiến trường xưa

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, là nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật của ta và địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình văn hóa tiêu biểu, địa chỉ đỏ tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử và là điểm du lịch nổi bật của tỉnh Điện Biên.

Phần trưng bày tại bảo tàng được bố trí hàng nghìn tài liệu, hiện vật (nhiều chất liệu), hình ảnh, bản đồ... và được đánh giá hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Trong đó, điểm nhấn nổi bật nhất là bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” - bức tranh 360 độ được khởi công từ năm 2013, hoàn thành vào tháng 5-2022, với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Cùng ngắm một số trưng bày tại bảo tàng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bàn bạc, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Hướng dẫn viên của bảo tàng giới thiệu với khách tham quan các trưng bày chuyên đề. Trong ảnh: Mô phỏng bộ đội kéo pháo cao xạ tại chiến trường Điện Biên Phủ (tầm bắn hiệu quả dưới mặt đất là 4km, trên cao là 3km).

La bàn của Chính ủy Trần Huy, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, sử dụng để xác định hướng cho bộ đội đi tắt qua rừng, chặn đánh địch ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (năm 1953). Bên phải là súng ngắn và súng Sten dùng để tiêu diệt địch trong Chiến dịch biên giới thu đông năm 1950.

Lựu đạn các loại được Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 sử dụng để tiêu diệt địch tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (năm 1953).

Trong ảnh, từ trên xuống là súng kíp của du kích huyện Tuần Giáo đã sử dụng để tiêu diệt 18 tên địch; súng Bazoka và bom phóng do xưởng quân giới Việt Nam sản xuất, được dùng trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947.

Các loại trang bị vũ khí của thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ 1954.

Bức tranh Panorama hơn 3.000m2 về Chiến dịch Điện Biên Phủ - điểm nhấn nổi bật nhất tại bảo tàng. Bức tranh tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ. Tranh do hơn 200 họa sĩ thực hiện, gồm 4 trường đoạn, trong đó trường đoạn 1: “Toàn dân ra trận”, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trường đoạn này khắc họa chân dung của cả một thế hệ với hàng vạn con người dấn thân vào một trận chiến vĩ đại vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng trăm công binh, thanh niên xung phong cùng nhau phá đá mở đường, từng đoàn dân công chân đất trèo đèo, lội suối thồ hàng cung cấp cho tiền tuyến...

Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là trận đánh tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13-3-1954, thể hiện sức mạnh và quyết tâm giành thắng lợi ngay trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau khi tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, quân đội ta đã tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào phân khu trung tâm Mường Thanh, đánh chiếm các dãy đồi phía Đông, trong đó có cứ điểm A1.

Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện sự khốc liệt đợt của tấn công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là trận đánh tại cứ điểm A1. Đêm 6-5-1954, giữa trận địa là cột khói bốc cao ngùn ngụt, đen đặc, những tia lửa chói lòa, đỏ rực cả bầu trời. Đó là tiếng nổ long trời lở đất của khối bộc phá gần 1.000kg mà Quân đội Nhân dân dân Việt Nam đã đặt trọn quyết tâm tiêu diệt đồi A1.

Trường đoạn 4 “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”, tái hiện khoảnh khắc lịch sử vào 17h30 ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

Đoàn khách tham quan bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-tang-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-diem-den-hap-dan-trong-hanh-trinh-tro-lai-chien-truong-xua-663849.html