Báo quốc tế nhận định về tương lai ngành Dược Việt Nam

Khi thu nhập người tiêu dùng Việt Nam đã tăng lên đáng kể thì chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe sẽ được chú ý nhiều hơn. Vì lý do này, ngành Dược Việt Nam hiện đang tạo đà bứt phá.

Theo trang Vietnam Briefing, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng của ngành Dược Việt Nam trong tương lai.

Người dân được tiếp cận thuốc với giá hợp lý. Ảnh: baochinhphu

Vào tháng 10 năm nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một phần trong nỗ lực hướng tới phát triển ngành Dược quốc gia khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng mở rộng cùng với đó là chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe được nâng cao đáng kể.

Chiến lược sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; quy hoạch; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược; thông tin, truyền thông.

Tuy nhiên, ngành Dược vẫn được xem là lĩnh vực kinh doanh phức tạp và cần phải có chất lượng cao hơn mới có thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam. Điều này có nghĩa là cần phải có sự giám sát và quản lý rộng rãi khi ngành này phát triển cũng như tìm kiếm các cơ hội chuyên môn nước ngoài.

Không chỉ vậy, cơ hội đầu tư cũng có thể xuất hiện khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới xóa bỏ những rào cản đối với việc gia nhập thị trường ngành Dược. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (EVFTA) của Liên minh Châu Âu có hiệu lực, hơn 1/2 thuế nhập khẩu dược từ EU sẽ được gỡ bỏ.

Điều đó nói lên rằng, đối với cả các công ty nước ngoài mới và cũ hoạt động trong ngành Dược Việt Nam, sự hiểu biết sâu sắc về định hướng của ngành được xem là rất quan trọng.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra một số mục tiêu cốt lõi và rộng lớn cho ngành. Những điều này đóng vai trò là nguyên tắc hướng dẫn cho kế hoạch và tạo thành khuôn khổ mà chiến lược đã được phát triển.

Một số chuyên gia ước tính ngành Dược Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD vào năm 2045 và việc thử nghiệm, phân phối và dược lâm sàng thuốc sẽ có khả năng phát triển tiên tiến như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Vai trò của doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình phát triển ngành Dược Việt Nam

Để đáp ứng các mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam, dự đoán các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Theo trang Vietnam Briefing, Việt Nam đang tìm cách tăng cường hợp tác với các tập đoàn dược đa quốc gia và tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong lĩnh vực R&D cũng như chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thuốc biệt dược trong nước.

Việt Nam cũng mong muốn tận dụng các nguồn lực và sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ các nước, tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ quan nhà nước trong việc quản lý dược. Hơn nữa, cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài để giúp Việt Nam đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt là những nghĩa vụ được nêu trong các hiệp định thương mại tự do mà nước này đã ký kết.

Các tổ chức nước ngoài cũng sẽ có vai trò quan trọng trong việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin dược phẩm. Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy sự hài hòa hóa hồ sơ, quy trình và thủ tục nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.

Để ngành Dược Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chiến lược phát triển ngành Dược đến năm 2030 sẽ có sự tham gia của nhà nước, các nhà tài trợ nước ngoài như WHO cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà nước sẽ đóng vai trò dẫn dắt, đồng thời tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dược trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, hiện đại. "Đây là chìa khóa quan trọng nên cần những giải pháp căn cơ, cụ thể," Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Một số bước tiến đã được thực hiện đối với các công ty nước ngoài tham gia thị trường. EVFTA đã mở cửa đối với thị trường Dược Việt Nam cho các doanh nghiệp châu Âu, cho phép các nước thành viên EU thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để nhập khẩu dược phẩm và bán cho các nhà phân phối trong nước (trước đây họ phải hợp tác với các doanh nghiệp trong nước).

Vì lẽ đó, ngành Dược Việt Nam sẽ có nhiều hứa hẹn cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong và ngoài nước. Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. /.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-quoc-te-nhan-dinh-ve-tuong-lai-nganh-duoc-viet-nam-20231110145706747.htm