Báo Nhật: Trung Quốc buộc ASEAN phải tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông

Các quốc gia Đông Nam Á đang củng cố an ninh trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra.

Theo một quan chức quốc phòng, Indonesia có kế hoạch triển khai 5 máy bay chiến đấu F-16 và khoảng 3 đến 5 tàu khu trục tới quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Indonesia cũng đang nâng cấp một căn cứ quân sự trên quần đảo này bằng việc xây dựng thêm đường băng mới và mở rộng cảng biển, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017.

Nước này cũng đang xem xét triển khai thêm tàu ngầm, và hiện chính phủ đang có ý định mua thêm máy bay chiến đấu của Nga.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna trên Biển Đông.

Trung Quốc từ lâu đã ngang nhiên đánh bắt cá trong vùng đặc khu kinh tế quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Sự xuất hiện của các tàu cá và tàu tuần dương của Trung Quốc trong khu vực khiến Indonesia không hài lòng và dẫn đến những động thái qua lại không hay giữa hai nước. Cụ thể, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm quần đảo Natuna vào tháng 6 vừa qua, và một ngày sau đó một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc xuất hiện gần đó.

Không chỉ có Indonesia, Việt Nam và Philippines cũng đang nâng cao sức mạnh quân sự khi cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng những đảo khác với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Hà Nội đã mua về 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và được triển khai ở vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xem xét mua về các loại máy bay do thám săn tìm tàu ngầm, cụ thể là các phi cơ P-3 hoặc P-3C của Nhật Bản.

Vào tháng 6 vừa qua, Mỹ cũng đã cho 4 máy bay tác chiến điện tử tới căn cứ không quân Clark ở phía Bắc thủ đô Manila (Philippines) để theo dõi tình hình trong khu vực. Hải quân Nhật Bản cũng đã đưa tàu quân sự đến cảng biển trên vịnh Subic của Philippines từ mùa xuân năm nay.

Trung Quốc được cho là đã triển khai một số tàu ngầm quanh quần đảo Trường Sa và một số khu vực khác, và đây là nguyên nhân Phillippines và Việt Nam tăng cường sự hiện diện trên biển và trên không.

Ngay cả Singapore, một quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc, vào tháng 12 năm ngoái đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám săn tìm tàu ngầm đến nước này. Từ đó đến nay, Mỹ đưa loại phi cơ quân sự này cứ ba tháng một lần. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Philippines Ng Eng Hen đã xuất hiện trong một cuộc tuần tra trên biển vào tháng 6.

Trung Quốc vào tháng 7 đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế rằng nước này không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, và vẫn tiếp tục những hoạt động xây dựng đảo trái phép của mình và tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn ở Biển Đông.

Các nước ASEAN và Trung Quốc đã cố gắng tìm giải pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong hòa bình tại Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7 vừa qua, song không đạt được kết quả khả quan. Điều này đã khiến các quốc gia có binh lực nhỏ buộc phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng trên biển.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng tại Châu Á và Châu Đại Dương đã tăng 5,4% trong năm 2015 so với năm 2014. Nguyên nhân là bởi Indonesia, Việt Nam và Philippines đã và đang cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Trong tương lai, chi tiêu quốc phòng sẽ còn tăng lên cao hơn nữa và điều này có thể khiến cuộc tranh chấp trong khu vực càng trở nên phức tạp.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế – chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-nhat-trung-quoc-buoc-asean-phai-tang-hien-dien-quan-su-o-bien-dong-post207577.info