Báo Nghệ An được tặng Bằng khen tại Hội nghị Tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Ngày 21/12, tại Thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Dự hội nghị có hơn 700 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, hội nhà báo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…

Về phía tỉnh Nghệ An, có các đồng chí: Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Minh Ngọc - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An; Ngô Đức Kiên - Tổng Biên tập Báo Nghệ An dự hội nghị.

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ

Theo Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.

Thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước; thông tin về các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền. Tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.

Tình hình tài chính của các cơ quan báo chí. Ảnh: Thành Cường

Báo chí cũng đã tích cực tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngang tầm với tuyên truyền phát triển kinh tế theo đúng định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí ngày càng phát huy kết quả tích cực, có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm 2023, trong đó, chú trọng lấy tính thuyết phục làm thước đo hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, tạo khí thế, động lực mới.

Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời với đó là chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng…

Tình trạng đơn thư, cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh hoạt động báo chí. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước sự phát triển của truyền thông xã hội cả về nội dung, khả năng dẫn dắt, định hướng thông tin, đến phương thức tiếp cận công chúng, làm chủ công nghệ và thu hút nguồn thu.

Vẫn còn cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay. Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi chưa giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được quan tâm nhưng chưa xử lý căn cơ, dứt điểm...

Các trường hợp vi phạm về hoạt động báo chí bị xử lý. Ảnh: Thành Cường

Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp, với tổng số tiền 733,75 triệu đồng; Xử phạt 3 tổng biên tập tạp chí do đã thực hiện hành vi của nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí và yêu cầu cung cấp thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; Nhắc nhở, chấn chỉnh đối với 8 cơ quan tạp chí.

Tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh đối với 19 tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, qua đó, xử phạt 10 trường hợp, với tổng số tiền 323 triệu đồng; Thu hồi 16 giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của cơ quan báo chí; Chuyển các Sở TT&TT 54 trường hợp xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Thanh tra Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 133 cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, với tổng số tiền là 1.858.350.000 đồng.

Bà Phạm Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí - truyền thông hiện nay; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó, xác định những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, toàn diện cho năm 2024 và trong giai đoạn tới.

Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

QUAN TÂM HƠN NỮA VỀ KINH TẾ BÁO CHÍ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà các cơ quan báo chí, người làm báo cả nước đạt được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Những kết quả thành tích đã tiếp tục khẳng định vai trò, sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng bày tỏ băn khoăn về hơn 63% cơ quan báo chí chuyển đổi số ở mức kém, qua đó, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo cơ quan báo chí phải quyết tâm mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của báo chí trong thời đại mới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các các cơ quan báo chí cần tăng cường khả năng cạnh tranh với các phương tiện truyền thông khác, như mạng xã hội, YouTube, TikTok, … , qua đó, tăng cường nguồn thu từ quảng cáo, phục vụ hoạt động của cơ quan.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà báo phải là người tử tế, không ngừng học hỏi, nâng cao bản lĩnh, đạo đức, trách nhiệm; các cơ quan chủ quản phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát nhiều hơn.

Đại biểu các bộ, ngành Trung ương dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Về vấn đề tài chính của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, các cơ quan cân đối hài hòa giữa ngân sách Nhà nước và nguồn tự chủ; Có những cơ chế, chính sách để khuyến khích sự cạnh tích cực từ các cơ quan cũng như chính các nhà báo, phóng viên với nhau.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị quan tâm đến công tác tài chính các của quan báo chí, vừa là động lực, vừa đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động theo đúng nhiệm vụ của mình.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

QUY HOẠCH ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BÁO CHÍ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, các cấp hội nhà báo, đặc biệt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần nỗ lực hơn nữa phát huy kết quả, thành tích đã đạt được; quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, giải quyết, xử lý tốt những thách thức trong hoạt động báo chí để đạt được yêu cầu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về báo chí, trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và hoàn thành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, phải tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, trong chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; phát huy hiệu quả và hoạt động thực chất hơn của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo để tạo sức răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hội viên vi phạm.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, năm 2024 cần xác định mục tiêu cao là xử lý dứt điểm, căn cơ tình trạng vi phạm của cơ quan báo chí, người làm báo, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, lấy lại được niềm tin của công chúng đối với báo chí...

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới. Tăng cường các tuyến bài, chương trình, góp phần cung cấp cho độc giả, khán giả những tri thức quý báu của nhân loại; không ngừng bồi đắp, củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các đại biểu xem kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của các nền tảng truyền thông mới, truyền thông xã hội, hơn bao giờ hết, báo chí phải kiến tạo được dòng thông tin tích cực, chủ lưu, lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về những điều tốt đẹp trong xã hội; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho các cơ quan báo chí đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Ban Tổ chức hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2023. Báo Nghệ An vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Thành Cường

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/bao-nghe-an-duoc-tang-bang-khen-tai-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-bao-chi-toan-quoc-nam-2023-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-post281982.html