Bao mùa trâm chín

Nắng oi nồng của những ngày đầu hạ khiến giấc ngủ trưa cứ chập chờn dắt nỗi nhớ về theo. Mới đó thôi mà đã chuẩn bị thêm mùa trái chín. Vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng í ới gọi của đám trẻ thơ vào những buổi trưa hè ngày ấy, trốn cha trốn mẹ rủ nhau đi hái trái trâm.

Những chùm trâm rừng thấm đượm tình quê.

Những chùm trâm rừng thấm đượm tình quê.

Ai đã từng lớn lên ở làng quê, dẫu có đi xa bao lâu vẫn không thể nào quên những mùa trái chín quê nhà. Điều thú vị, mùa hạ lũ trẻ chúng tôi rảnh chuyện học hành cũng là lúc vào mùa trái chín. Những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi chẳng có thú vui gì hơn khi đợi mùa quả chín tới với sự háo hức vô cùng…

Núi rừng ban tặng cho không biết bao nhiêu sản vật của thiên nhiên. Từng bụi sim trĩu quả, chín mũm mĩm trên cành đến những chùm chà là tới kỳ chín rộ, sum suê, đen óng và ngọt lịm. Hay những trái dủ dẻ vàng óng, ngọt như đường. Làng tôi xưa vốn là làng thuần nông, nên nhà nào cũng có một, hai đôi bò để cày kéo. Ngày rảnh rỗi, đám con nít rủ nhau dắt bò ra đồi thả. Mặt trời lên cao, quân số đã tập hợp đủ là cả bọn tranh thủ lúc bò gặm cỏ, đứa đi mót củi, đứa rủ nhau đi hái trái chín. Hơn mười lăm năm, cũng chừng ấy thời gian xa cách, đến giờ tôi vẫn thèm được tận tay hái những quả rừng đang chín mọng, để được thêm một lần thưởng thức vị ngọt lịm như những viên kẹo thần kỳ mà một thời tuổi thơ cứ nhấm nháp hoài không ngán. Tôi mê tất cả những hoa trái mà thiên nhiên ban tặng, nhưng thích nhất vẫn là những quả trâm nho nhỏ giữa chùm lá xanh ngát. Chao ôi! những quả trâm đậm màu tim tím…

Ngày ấy, trên các gò đồi, trong rừng, kể cả những chỗ sỏi đá, đất bạc màu nhất trâm vẫn sống tươi tốt, tán lá trổ ra xung quanh xanh ngát. Còn gì tuyệt bằng được ngồi dưới bóng trâm, vi vu cùng tiếng chim véo von và hàn huyên những câu chuyện không đầu không đuôi với đám bạn cùng trang lứa! Dưới cây trâm già giống như một thế giới cổ tích, là nơi chúng tôi tụm ba tụm bảy tâm tình chuyện trường lớp, kể về những ước mơ đẹp đẽ sau này hay chơi đùa, hò reo cả một góc xóm nhỏ vốn dĩ yên bình… Cây trâm rừng có rất nhiều loại từ cây bụi đến cây gỗ lớn. Ở Việt Nam có 3 loại trâm phổ biến thường gặp đó là trâm vối, trâm đỏ và trâm nước. Tôi thích nhất những quả trâm vối (hay còn gọi là trâm mốc) chín với vị ngọt lịm pha lẫn vị chua chát có mùi thơm dịu. Trâm vối mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam, Tây Nguyên đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi tiết trời bắt đầu giêng hai, từ những tán lá rậm rạp đã thấp thoáng từng cụm hoa trâm trăng trắng nở xòe, nổi bật. So với các loài hoa khác, hoa trâm mang vẻ đẹp riêng, quyến rũ với vẻ đẹp giản dị và kết trái thành từng chùm. Làm sao quên được mùa trâm chín, những người bạn cắt cỏ, chăn bò thuở ấy. Sau khi đã thả bò ăn cỏ no nê trong rừng, cả bọn liền cột bò vào gốc cây, chạy ào đến cây trâm trĩu quả, chín mọng. Trâm là loại cây thân gỗ, vươn cao, nhiều cành nhỏ. Bọn trẻ con phải chọn cành chắc nhất để có thể hái trái chín mà không bị gãy. Gặp những cây cao quá bọn trẻ lại chí chóe bên dưới gốc, rồi dùng cây chọc chọc cho trái rơi xuống. Đôi khi lại giành nhau leo lên cao rồi rung nhánh. Đứa nào mạnh tay thì bẻ cả cành trĩu quả thả rơi xuống đất rồi tha hồ mà hái, mà lặt, vừa ăn vừa đùa giỡn ném hột vào nhau.

Những buổi chiều mùa hạ ấy, khi hoàng hôn dần buông vắt ngang trên vạt đồi, ai cũng có đầy một túi trái chín. Có đứa còn nghênh ngang vác cành xum xuê cả trái lẫn lá, vượt qua những triền dốc dài để về nhà tắm rửa, ăn cơm. Tối đến lại rôm rả chia cho chị, cho anh một ít. Lũ trẻ quê tôi ngày đó còn nghèo, nên ngay cả những quả trái rừng nho nhỏ cũng có thể trở thành món quà vặt quý giá.

Từng mùa hạ đi qua, đám trẻ quê xưa mỗi người một ngả, mang theo hương thơm ngào ngạt những mùa quả rừng chín. Và tôi trưa nay, thêm một lần nữa vẫn thao thức mong chờ một ngày được quay về với mùa hạ quê hương - một mùa hạ dù nắng gắt và khô cháy da nhưng vẫn luôn ngọt vị trái trâm rừng thấm đượm tình quê.

Phan Thị Thanh Ly

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bao-mua-tram-chin-post279716.html