Bạo lực học đường: Thưa vắng lễ nghĩa, bạo lực gia tăng

Trường lớp chỉ lo đánh giá chất lượng, chạy đua điểm số, chưa chú trọng dạy đạo đức, rèn phẩm chất kĩ năng cho học sinh. Phụ huynh thì bận làm ăn và nhiều lí do khác nữa... Thực trạng này khiến chữ 'Lễ' trong nhiều học trò ngày nay không được trọn vẹn.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Nuông chiều thái quá

Một giáo viên có thâm niên hơn 20 năm giảng dạy tại một trường THCS trên địa bàn huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, nguyên nhân tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) báo động như hiện nay một phần đến từ sự nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh, đẩy trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. “Nhiều thầy cô không dám dùng hình phạt hay kỉ luật học sinh khi các em mắc lỗi vì ngại phụ huynh, vì sợ bị quay clip tung lên mạng với quy chụp là BLHĐ. Sự nuông chiều con bất kể đúng sai, vô tình khiến trẻ khi ra ngoài xã hội sẽ ngạo mạn, coi thường người khác”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cuối tháng 9/2022, tại trường THCS Quán Hành, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có một nữ sinh dù mới học lớp 7 nhưng nổi tiếng là “chị đại” trong trường vô cớ chặn đường đánh bạn học. Nhận được thông tin, thầy Tổng phụ trách Đội đã gọi các em nữ sinh tới phòng làm việc để nói chuyện. Tại đây, nữ sinh này có thái độ vô lễ, đặc biệt trong tin nhắn điện thoại với nhóm bạn còn thách thức “nhà trường không làm được gì”. Thầy Tổng phụ trách Đội sau đó có dùng cán nhựa nhỏ đánh vào tay nữ sinh này gây ra vết bầm tím nhỏ. Người nhà nữ sinh đã chụp lại vết bầm tím rồi gửi cho người mẹ đang ở nước ngoài. Vị phụ huynh liền đăng lên mạng xã hội tố cáo nhà trường. Nhà trường và giáo viên sau đó đã phải đến tận nhà xin lỗi học sinh…

Có con năm nay học lớp 6, anh Nguyễn Văn Dương ở quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, từ ở bậc tiểu học, học sinh chỉ được giáo dục nhân cách qua môn Đạo đức, tuy nhiên nặng lí thuyết, học sinh quên ngay sau đó. Khi lên THCS, giáo viên chỉ nhắc nhở phụ huynh con yếu kém về các môn văn hóa, gợi ý đi học thêm để đạt chất lượng nếu không sẽ thi trượt lớp 10. “Nhà trường, cô giáo chỉ chăm chăm lo chất lượng đầu ra, thúc ép học tập gây áp lực rất lớn cho học sinh mà không khen ngợi con có những năng lực, thế mạnh khác. Nhà trường cũng chưa chú trọng nhiều việc dạy đạo đức, kĩ năng khác cho học sinh”, anh Dương nói.

Cũng có phụ huynh ủng hộ quan điểm nhà trường siết chặt kỉ luật, xử lí nghiêm học sinh vi phạm nhưng cũng không ít người phản đối. Câu chuyện Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh đưa ra các quy tắc cho học sinh tham gia mạng xã hội, trong đó cấm nói xấu, cấm like (biểu tượng thích thú), bình luận nội dung xấu; viết bài đăng nội dung phải rõ ràng, không để bạn bè hiểu lầm khi đọc; không cho học sinh trang điểm, nhuộm tóc tới trường; không nói tục, chửi bậy… Nếu vi phạm các em phải viết kiểm điểm, phạt quét sân trường và mời bố mẹ lên trao đổi… từng gây tranh cãi.

Cuộc thi vẽ tranh phòng chống BLHĐ. Ảnh: Huỳnh Thủy

Cuộc thi vẽ tranh phòng chống BLHĐ. Ảnh: Huỳnh Thủy

Không chỉ dạy đạo đức bằng lí thuyết

TS Ngô Thị Tuyên nói rằng, trước đây theo dõi chương trình giáo dục đạo đức học sinh trong trường phổ thông thấy chương trình chủ yếu dạy lí thuyết trong khi giáo dục đạo đức phải thực hành và hiểu hết ý nghĩa của việc làm đó. Ví dụ, phải dạy học sinh từ những hành vi rất nhỏ như đối với cô giáo, phát biểu thế nào, cách đứng lên ngồi xuống ra sao. Các em nhỏ tuổi thường nhìn theo giáo viên, bố mẹ và những người xung quanh để làm theo. Do đó, để giáo dục lối sống, toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên phải làm gương. Nếu trường học chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, sự kết hợp với gia đình cũng lỏng lẻo khó đem lại hiệu quả.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ông Thái Văn Thành cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, việc giáo dục đạo đức cho học sinh được thiết kế thành môn học và các chủ đề, chủ điểm. Từ THCS, giáo dục đạo đức học sinh được tích hợp qua các môn học Lịch sử - Địa lí, Văn học, hoạt động trải nghiệm… để giáo dục lí tưởng đạo đức, cách mạng lối sống, kĩ năng sống, khát vọng cống hiến… Ngoài ra, thông qua các chủ đề, chủ điểm trường học dạy đạo đức học sinh qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, dịp lễ đặc biệt tìm hiểu về Bác, về mẹ, về tình bạn. Hay các trường có thể mời chuyên gia, anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, chuyên gia tâm lí đến nói chuyện. Trong trường học cũng có tổ chức Đoàn, Hội tổ chức các hoạt động theo chuyên đề, chủ điểm riêng, đa dạng hóa các hoạt động.

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định, nhiều nội dung, hoạt động đã được quy định là như vậy còn tổ chức, thực hiện như thế nào phụ thuộc vào sự tâm huyết, trách nhiệm của người hiệu trưởng. Họ triển khai hằng ngày, hằng tuần và hoạt động có sáng tạo hay không lại là việc khác. Tại Nghệ An, địa phương đang triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, trong đó nhà trường phải thành lập ban giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống tai nạn thuơng tích do Phó Hiệu trưởng làm trưởng ban, chỉ đạo. Từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm phải kí cam kết với hiệu trưởng về đảm bảo chất lượng dạy học cũng như sự tiến bộ của học sinh. Từ việc chịu trách nhiệm đó, giáo viên, nhà trường sẽ phải trách nhiệm sát sao học sinh, phối hợp với phụ huynh cũng như các tổ chức đoàn thể khác tại địa phương để thực hiện.

Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cũng nêu một thực tế khó khăn hiện nay nữa là sĩ số học sinh tăng lên, giáo viên kiêm nhiệm, khó có thể chú ý đến từng cá thể hóa, cá biệt hóa nhằm nắm bắt hoàn cảnh, cá tính từng học sinh. “Biên chế chỉ có giảm, trường lớp tăng, sĩ số tăng, giáo viên phải dạy nhiều giờ áp lực hơn, chuyên môn sâu về tâm lí học đường không có. Cơ sở vật chất, đầu tư cho các hoạt động trải nghiệm giáo dục đạo đức cũng là cái khó cho nhà trường”, ông Thành nêu.

Hà Linh - Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-luc-hoc-duong-thua-vang-le-nghia-bao-luc-gia-tang-post1534084.tpo