Bạo lực gia tăng ở Bờ Tây khi mọi ánh mắt dồn vào Dải Gaza

Trong cảnh hiếm thấy ở Bờ Tây, người Palestine đã giương cờ Hamas trong một cuộc tuần hành thể hiện tình đoàn kết với Dải Gaza, bất chấp chia rẽ chính trị lâu đời giữa Hamas và đảng Fatah lãnh đạo ở Bờ Tây.

Người biểu tình Palestine đụng độ với binh lính Israel ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây. (Ảnh: Washington Post)

Bộ Y tế Palestine cho biết, lực lượng an ninh Israel đã khiến ít nhất 11 người Palestine thiệt mạng và hàng chục người bị thương trên khắp Bờ Tây trong ngày 13/10.

Nhiều người trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng không rời khỏi màn hình để theo dõi tin tức khi Israel yêu cầu 1,1 triệu người dân ở Dải Gaza phải sơ tán trước khi Tel Aviv triển khai chiến dịch tấn công trên bộ, khiến người Palestine lo ngại về một cuộc di tản hàng loạt nữa.

Theo WAFA, hãng thông tấn chính thức của Palestine, 4 trong số những người Palestine thiệt mạng ngày 13/10 bị bắn chết trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel ở phía tây Tulkarem. WAFA cho biết một cậu bé 14 tuổi thiệt mạng trong cuộc “đối đầu” gần trạm kiểm soát quân sự ở phía đông Nablus.

Ít nhất 43 người Palestine ở Bờ Tây đã thiệt mạng vì lực lượng an ninh và người định cư Israel kể từ hôm 7/10, khi Hamas bất ngờ tấn công vào đất Israel.

Người Palestine vẫn bị chặn nên không thể rời khỏi Bờ Tây hoặc đi lại giữa các thành phố. Ngày 13/10, tuyến đường 60 của Israel - nối các khu định cư của người Do Thái và chia rẽ các cộng đồng người Palestine - vắng vẻ một cách kỳ lạ.

Mọi ánh mắt đang dồn vào Dài Gaza, nơi hơn 1.900 người Palestine đã thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải di dời. Tuy nhiên, mới chỉ 1 tuần trước, Bờ Tây được cho là thách thức an ninh cấp bách nhất của Israel.

Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993 xác định Bờ Tây, Dải Gaza và phía đông Jerusalem là các phần đất của một nhà nước Palestine trong tương lai. Nhưng 30 năm sau, Israel kiểm soát phần lớn Bờ Tây, còn lại một vài khu vực do Chính quyền Palestine quản lý. Hamas, đối thủ lâu năm của Chính quyền Palestine, quản lý Dải Gaza từ năm 2007.

Người dân Palestine vừa bị chia cắt về địa lý vừa chia rẽ về chính trị. Sự sụp đổ của tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt, sự chiếm đóng ngày càng mở rộng của Israel và sự lãnh đạo chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền Palestine gây ra sự tức giận và vỡ mộng khắp Bờ Tây, tạo điều kiện cho các nhóm chiến binh mới nổi lên.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, trước khi xảy ra đợt bạo lực mới nhất, ít nhất 179 người Palestine ở Bờ Tây thiệt mạng kể từ tháng 1, khiến năm 2023 trở thành năm có nhiều người chết nhất đối với người Palestine trong 2 thập kỷ.

Khi Israel tăng cường chiến dịch tấn công trả đũa ở Dải Gaza, số vụ bạo lực mà những người định cư Israel gây ra với người Palestine ở Bờ Tây ngày càng leo thang.

Ngày 11/10, những người định cư có vũ trang bắn chết 3 người Palestine trong cùng một gia đình ở nhà của họ gần Qusra, một ngôi làng nhỏ có khoảng 7.000 cư dân, các quan chức Palestine và thành viên gia đình cho biết.

Ba người được đưa đến bệnh viện ở Nablus gần đó nhưng sau đó đã qua đời vì thương nặng. Gia đình cho biết, việc đưa các thi thể về nhà nghĩa là họ là phải đi theo tuyến đường do người Israel kiểm soát một phần, khiến họ phải xin phép nhiều cơ quan chức năng.

Khi xe cứu thương chuẩn bị đưa các thi thể từ bên này sang bên kia đường cao tốc, những người định cư Israel xuất hiện và bắt đầu ném đá. Trong cuộc đối đầu xảy ra sau đó, những người định cư đã bắn chết ông Ibrahim Ahmed al-Wadi, 68 tuổi, và cháu trai 31 tuổi Ahmed Ibrahim al-Wadi.

Thị trấn biệt lập Qusra từ lâu đã là mục tiêu của những người định cư Israel, nhưng nơi đây cũng tiếp nhận những người hoạt động chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Ngày 13/10, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cáo buộc Israel đẩy “người dân của chúng tôi ở Dải Gaza… vào một cuộc diệt chủng”. Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã tới Amman để gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ông Abbas kêu gọi chấm dứt “sự xâm lược của Israel”, cho rằng việc buộc người dân phải sơ tán khỏi Dải Gaza sẽ tạo thành “thảm họa thứ hai đối với người dân của chúng tôi”, ý nhắc đến cuộc di tản của người Palestine năm 1948, khi nhà nước Israel được thành lập.

Tại một bùng binh gần lối vào Ramallah, trụ sở của chính phủ Abbas, hàng trăm thanh niên mặc đồ đen đã đụng độ với lực lượng an ninh Israel.

“Chúng tôi đến để tổ chức một intifada (cuộc nổi dậy) cho những người dân của chúng tôi ở Gaza đang bị tàn sát”, Anwar Abu Salem, 26 tuổi, nói với Washington Post.

“Chúng tôi muốn chấm dứt sự chiếm đóng và lấy lại đất của chúng tôi”, Salem tuyên bố.

Thu Loan

Theo Washington Post

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-luc-gia-tang-o-bo-tay-khi-moi-anh-mat-don-vao-dai-gaza-post1578099.tpo