Bảo Lâm huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Những năm qua huyện Bảo Lâm có nhiều đổi thay đáng kể khi hàng loạt các công trình hạ tầng trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cầu nối Quốc lộ 34 với xã Nam Quang - Nam Cao (Bảo Lâm) đang được thi công.

Xác định huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, huyện tập trung quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là quy hoạch trung tâm thị trấn Pác Mjầu và các xã trên địa bàn huyện, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND, ngày 15/7/2022 quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở đó, năm 2023, huyện huy động nguồn lực đầu tư xây dựng trên 50 công trình, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở trung tâm huyện, các xã, thị trấn.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm Hoàng Văn Thọ cho biết: Mỗi năm, hàng chục công trình, dự án được đầu tư xây dựng tại huyện đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Tiến độ, chất lượng thi công các công trình, dự án đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của nhân dân, mang lại diện mạo nông thôn mới cho huyện.

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện đặc biệt quan tâm tới công trình giao thông, thủy lợi. Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã vùng cao, khó khăn được nhựa hóa, thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân. Các công trình thủy lợi, mương nội đồng được cải tạo, nâng cấp, xây mới phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. Theo thống kê, năm 2023, toàn huyện bàn giao đưa vào sử dụng một số công trình như: cứng hóa đường liên xã tuyến Quốc lộ 34 - xóm Bản Bó, xã Thái Học; mương thủy lợi Nà Nạc, xóm Nà Bon và xã Mông Ân; mương thủy lợi Nà Đấng - Khuổi Rò, xã Vĩnh Quang; cải tạo, sửa chữa Trạm Y tế xã Lý Bôn, xã Nam Cao; cầu treo Nà Bay, xã Quảng Lâm; nước sinh hoạt tập trung xóm Đoàn Kết, xã Nam Cao. 100% đường liên xã được bê tông hóa hoặc trải nhựa; trên 60% đường liên xóm được cứng hóa; 219,9 km đường được cải tạo, nâng cấp, nhiều tuyến đường được mở vào xóm đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa...

Hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư xây dựng từ trung tâm huyện đến các xã, xóm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nông Văn Lương cho biết: Huyện bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân được huyện đẩy mạnh, tạo nên phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp ở các xã, xóm từ vùng thấp đến vùng cao. Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2023 giảm từ 49,08% xuống còn 42,74%, giảm 6,34%, đạt 103,08% so với kế hoạch UBND tỉnh giao và đạt 126,8% so với Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-lam-huy-dong-nguon-luc-xay-dung-ha-tang-co-so-3167611.html