Bão làm 4 người chết và 5 người mất tích

Theo báo cáo của các địa phương, bão số 2 khiến 9 người chết và mất tích, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Thuyền viên tàu bị bão đánh chìm: 'Tôi đã nghĩ đến cái chết' Hai thuyền viên trên tàu chở than VTB-26 bị bão đánh chìm đã được đưa vào trong bờ an toàn. Trong lúc lênh đênh trên biển, họ đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là cái chết.

Sáng 18/7, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết rạng sáng 17/7, bão số 2 (tên quốc tế là Talas) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 8-10, các đảo ven biển gió giật cấp 11-12.

Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, suy yếu dần và tan trên khu vực Trung Lào. Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi 400 mm.

Theo cáo cáo nhanh từ các địa phương đến sáng 18/7, bão số 2 đã làm 4 người chết, gồm ông Lèo Văn Nhùng (72 tuổi ở tỉnh Hà Giang) đi đặt ống lấy nước trong đêm bị lũ cuốn trôi; một người tại Nghệ An là chị Nguyễn Thị Mai (48 tuổi) bị xà mái tôn sập đè vào người; hai thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm tại Nghệ An là anh Nguyễn Văn Lãm (34 tuổi quê Hải Phòng) và anh Lê Đắc Tài (22 tuổi, quê Thanh Hóa).

Một thuyền viên tàu VTB26 bị chìm ở Nghệ An được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ. Ảnh: Phạm Hòa.

Ngoài ra, bão cũng làm 5 người mất tích gồm 4 thuyền viên tàu VTB26 bị lật chìm và chị Hờ Thị Chi (35 tuổi, ở Yên Bái) bị lũ cuốn khi đang trên đường đi làm.

Bên cạnh đó, bão số 2 khiến 19 người ở Quảng Bình bị thương, gần 4.300 nhà bị sập, đổ hoàn toàn, tốc mái, ngập nước (ở Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

53 chiếc tàu cá bị chìm, 2 xà lan và 1 tàu lai dắt hải quân bị chìm ở Quảng Bình do bão số 2. Về nông nghiệp, gần 50.000 ha lúa, hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa bão số 2…

Về công tác khắc phục hậu quả sau bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích (4 thuyền viên tàu VTB26 và 1 người ở Yên Bái).

“Tiếp tục tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, nhà bị sập, đổ; huy động lực lượng giúp dân sửa chữa lại nhà cửa. Hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân bị đói, rét và không có chỗ ở”, Văn phòng Thường trực kiến nghị.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ để chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời.

Nhiều tuyến quốc lộ hư hỏng nặng

Theo Tổng cục Đường bộ, bão đã ảnh hưởng đến 11 tuyến quốc lộ như gây ngập, sụt taluy, sụt lún, hư hỏng mặt đường. Thậm chí nhiều tuyến đường đổ cây khiến đơn vị chức năng phải căng sức giải tỏa. Thiệt hại bão gây ra với các tuyến quốc lộ ước tính khoảng 30 tỷ đồng.

Vết nứt dọc dài xuất hiện trên quốc lộ 217 ở Thanh Hóa. Ảnh: CTV.

Ngoài ra, bão số 2 còn khiến hàng chục đường liên tỉnh bị hư hại, sụt lún. Các hệ thống đường địa phương này chủ yếu nằm ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Sơn La… Tổng kinh phí ước tính để khắc phục bước một trên hệ thống đường địa phương khoảng 25 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục quản lý đường bộ và các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm.

Các lực lượng chức năng tiếp tục bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe.

Thanh Hóa 'giấu' thiệt hại về người do bão số 2?

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đến 17h ngày 17/7 về tình hình thiệt hại do bão số 2 chỉ thống kê về nhà ở, nông lâm - lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông và thiệt hại khác. Trong báo cáo này không ghi thiệt hại về người.

Tuy nhiên, theo phản ánh, tỉnh có 2 trường hợp bị nước lũ cuốn trôi.

Theo đó, vào khoảng 14h ngày 17/7, anh Lê Hữu Hải (36 tuổi, ở làng Cốc, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) đi cắt cỏ cho trâu gần khu vực sông Âm và không may bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Ngành chức năng đã huy động người tìm kiếm. Đến 5h sáng 18/7, nhà chức trách đã tìm thấy thi thể nạn nhân.

Khu vực Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 đang thi công trên sông Mã - nơi công nhân Văn tử vong. Ảnh: Nguyễn Dương.

Tại huyện Cẩm Thủy, sáng 17/7, anh Văn (33 tuổi, ở xã Cẩm Phong), công nhân thi công Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 tử vong trong dòng nước lũ cuộn xiết trên sông Mã. Theo các nhân chứng, nam công nhân gặp nạn trong lúc xuống bờ sông, đoạn gần công trình, để vớt dây phao. Thi thể nạn nhân được tìm thấy vào chiều cùng ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy, cho rằng nam công nhân thiệt mạng do “tai nạn lao động” nên huyện không đưa vào báo cáo gửi lên cấp trên.

Trưa 18/7, trao đổi với Zing.vn, đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa khẳng định báo cáo nhanh bằng văn bản lúc 17h ngày 17/7 là báo cáo mới nhất của tỉnh này. Đơn vị đang tiếp tục cập nhật tình hình ảnh hưởng của mưa bão.

"Theo báo cáo của các địa phương, đến nay toàn tỉnh chưa xảy ra thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão, thiên tai", vị này nói.

Trước đó, chiều 16/7, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc. Tại đây, ông Xứng chỉ đạo: "Nếu xã nào, huyện nào để xảy ra thiệt hại lớn, đặc biệt thiệt hại về người, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm".

Bão số hai khiến cây đổ, nhà tốc mái Rạng sáng 17/7, bão số 2 quét qua Nghệ An, Hà Tĩnh đã khiến nhiều cây xanh bị gẫy đổ, nhiều nhà bị tốc mái.

Thắng Quang - Văn Chương - Nguyễn Dương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bao-lam-4-nguoi-chet-va-5-nguoi-mat-tich-post763930.html