Bảo hộ nhãn hiệu: Bài học về cách ứng xử với tài sản vô hình

Một doanh nghiệp dùng nhãn hiệu nhiều năm, bỏ công sức xây dựng, quảng cáo, được biết đến rộng rãi, nhưng không thực hiện việc đăng ký thì vẫn không được bảo hộ.

Những “tai nạn” pháp lý tương tự vụ bà Hiệp dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra. Có ba vấn đề mà chủ doanh nghiệp hành xử đúng cách có thể tránh được rủi ro.

Vấn đề thứ nhất, trong câu chuyện kẹo lạc Toàn Mỹ, chủ nhãn hiệu đã phát văn bản cảnh báo nhưng bên bị nhắc nhở đã không chấm dứt hành vi vi phạm, dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề về hình sự.

Phiên tòa xử vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày 22-6. Ảnh: BÙI TRANG

Quy định pháp luật cũng đều dựa trên ứng xử chung của xã hội mà hình thành. Một người có thể vô tình sử dụng nhãn hiệu mà hoàn toàn không biết mình đang vi phạm nhãn hiệu khác đã được đăng ký. Người đó cần được biết, được thông báo, nhắc nhở. Tuy nhiên, nếu đã được nhắc nhở, cảnh báo về hành vi vi phạm mà vẫn tiếp tục thực hiện thì không thể nói rằng “không biết”.

Vấn đề thứ hai, đã từng có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị nhắc nhở về vi phạm vẫn cho rằng mình đúng, nhãn hiệu của mình không xâm phạm nhãn hiệu của ai khác.

Tuy nhiên, việc nhận định một nhãn hiệu có tính khác biệt hay xâm phạm nhãn hiệu độc quyền khác không phải là vấn đề đơn giản, không dựa trên cảm tính chủ quan của một vài cá nhân. Việc xác định nhãn hiệu có tính khác biệt hay gây nhầm lẫn cần có chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ. Mặt khác, để trở thành căn cứ cảnh báo, xử lý vi phạm hành chính, hình sự, nhận định đó còn phải do cơ quan thẩm quyền kết luận.

Doanh nghiệp đã từng nhận được kết luận có xâm phạm nhãn hiệu thì không thể chủ quan, coi thường. Nếu không đồng tình với kết luận thì có thể khiếu nại, có thể xử lý bằng nhiều con đường khác nhau và dù cách nào thì cũng đều phải dừng hành vi vi phạm trước đã.

Vấn đề thứ ba là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải - đó là không làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Theo hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở nước ra cũng như rất nhiều quốc gia khác, nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký với cơ quan chức năng mới có thể được bảo hộ.

Một doanh nghiệp dùng nhãn hiệu nhiều năm, bỏ công sức xây dựng, quảng cáo, được biết đến rộng rãi, nhưng không thực hiện việc đăng ký thì vẫn không được bảo hộ. Câu chuyện nhiều năm trước về cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc đến nay vẫn còn hệ lụy. Câu chuyện thương hiệu phở Thìn mới đây cũng gây xôn xao.

Vì vậy, để bảo vệ tài sản vô hình của mình, tránh rắc rối, chủ doanh nghiệp cần sớm đăng ký nhãn hiệu. Một là, được bảo hộ nếu đủ điều kiện. Hai là, nếu không được bảo hộ, có gây nhầm lẫn, có xâm phạm nhãn hiệu khác thì cũng được khuyến cáo từ sớm, tránh tốn kém chi phí đưa nhãn hiệu ra thị trường mà lại không thể sử dụng hợp pháp về lâu dài.

QUỲNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ho-nhan-hieu-bai-hoc-ve-cach-ung-xu-voi-tai-san-vo-hinh-post739265.html