Bao giờ tránh được vấn nạn 4 không?

Vấn đề tiền lương lại được nóng lên tại Hội thảo “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12.10 tại Hà Nội.

Chính sách tiền lương vẫn… bất cập

Ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho rằng, tiền lương công chức hiện nay quá thấp, không đủ sống (mới đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu), không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy.

Hội thảo khoa học về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương.

Mặt khác, thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương… ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức.

Hiện có quá nhiều loại phụ cấp (khoảng 18 loại) như: Phụ cấp công an, quân đội, một số nghề nguy hiểm, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực đắt đỏ, phụ cấp vùng khó khăn… cần xem xét, tính toán lại cho phù hợp.

Theo ông Đặng Như Lợi, cần cải cách tiền lương theo hướng hình thành một hệ thống chế độ tiền lương đồng bộ, khoa học, đảm bảo các tiêu chí:

Chống bình quân, cào bằng; bảo đảm tương quan tiền lương hợp lý; cần xem xét giảm cơ bản và tiến tới xóa bỏ các chế độ bồi dưỡng trong các cuộc họp, hội nghị, tiền ăn trưa và các khoản thu nhập tương tự khác.

Về những bất cập trong chính sách tiền lương, ông Đặng Như Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng: “Thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không biết, không sống và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Đặc biệt, chênh lệch thu nhập giữa nội bộ người hưởng lương là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương ngày càng lớn và vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước”.

Để giải quyết bài toán tiền lương đi đôi với phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đề nghị: “Cần phải xây dựng một chính sách lương sạch, đủ cao so với các đối tượng lao động khác để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện 4 không: Không được, không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Một khi chính sách tiền lương - thu nhập hợp lý sẽ tạo được tiền đề tích cực cho loại bỏ tham nhũng khỏi bộ máy”.

Cần cải cách sớm và có hệ thống

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm cải cách về tiền lương bởi tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh. Đây cũng là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính ở nước ta.

Dẫn ra một ví dụ về việc tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ, ông Thang Văn Phúc cho rằng: Tiền lương công chức hiện nay chưa phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ- một loại lao động đặc biệt- lao động quyền lực.

Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.

“Hơn 15 năm nay, chúng ta chưa giải được bài toán cải cách tiền lương. Hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ thấp, hệ thống tiền lương cần được thiết kế một cách khoa học, phù hợp và đơn giản. Đề án cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là cấp thiết - cần có một đề án cải cách một cách cơ bản, đúng với nhận thức mới về tiền lương, phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước khi Việt Nam hội nhập với thế giới”- ông Phúc bày tỏ.

Theo ông Đặng Như Lợi, cần cải cách tiền lương theo hướng hình thành một hệ thống chế độ tiền lương đồng bộ, khoa học, đảm bảo các tiêu chí: Chống bình quân, cào bằng; bảo đảm tương quan tiền lương hợp lý; cần xem xét giảm cơ bản và tiến tới xóa bỏ các chế độ bồi dưỡng trong các cuộc họp, hội nghị, tiền ăn trưa và các khoản thu nhập tương tự khác.

Lan Ngọc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-gio-tranh-duoc-van-nan-4-khong-43628.html