Bao giờ Ngân hàng Nhà nước ngưng hút ròng?

Ngày 19/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, vẫn kỳ hạn 28 ngày nhưng lãi suất trúng thầu giảm nhẹ 0,05 điểm %, nối dài chuỗi 7 phiên hút liên tiếp...

Chuyên gia dự đoán nhà điều hành có thể thanh tra việc mua, bán ngoại tệ ở các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở ngày 19/3/2024.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, có 13 thành viên tham gia, 10 thành viên trúng thầu, giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ so với 6 phiên liền trước. Lãi suất trúng thầu là 1,35%/năm, giảm nhẹ so với 1,4%/năm của các phiên trước.

Lũy kế từ 11 đến 19/3, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút ròng 100 ngàn tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày.

Diễn biến thị trường mở từ đầu tháng 3/2024 đến nay.

Giới phân tích nhận định động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem như một cách thức nhằm điều chỉnh thanh khoản ngắn hạn trên trên hệ thống, giảm áp lực đầu cơ tỷ giá và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương. Điều này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền, tỷ giá tại các ngân hàng vẫn đang duy trì quanh mức đỉnh lịch sử. Tỷ giá trên thị trường tự do dù đã giảm so với kỷ lục nhưng vẫn đang duy trì tương đối cao. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa tỷ giá trung tâm lên sát mốc 24.000 VND/USD.

SSI khuyến nghị với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá cao, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng VND sau khi nhích tăng ngày 13 và 14/3 thì đã giảm trong phiên 15/3. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chủ chốt) trong phiên 15/3 đã giảm 0,42 điểm % so với phiên trước, xuống còn 0,79%/năm. Mức lãi suất này gần tương đương với thời điểm Ngân hàng Nhà nước chưa phát hành tín phiếu. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng đạt 1,6%/năm, nhích nhẹ so với phiên 14/3.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI trong báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố, dư địa về thanh khoản hệ thống khá dồi dào (tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023), có thể khiến nhà điều hành tiếp tục duy trì hoạt động hút tiền ít nhất trong vòng 2 tuần tới.

SSI ước tính rằng tổng khối lượng hút ròng là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, tương như như giai đoạn cuối năm 2023.

Tuy nhiên, SSI cũng khuyến nghị với áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá cao, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Tỷ giá chưa giảm nhiều sau khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền.

Theo thống kê từ Chứng khoán BIDV (BSC), trong giai đoạn 2018 - 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện động thái hút tiền nhiều lần trong năm. BSC cho biết nhà điều hành hút ròng trung bình 9,4 lần/năm và số ngày trung bình/đợt hút ròng là 13,4 ngày.

Giá trị hút ròng trung bình mỗi chu kỳ đạt 47.647 tỷ đồng, cho thấy các đợt hút ròng chủ yếu có quy mô nhỏ. Đợt hút ròng lớn nhất là vào năm ngoái, với quy mô gần 240.000 tỷ đồng (số liệu của BSC).

Theo BSC, đợt hút rồng lần này có những nét tương đồng và khác biệt với giai đoạn cuối năm 2023. Trong cả hai giai đoạn, tỷ giá đều tăng mạnh, tuy nhiên vào đầu năm 2024, những yếu tố tác động lên tỷ giá như USD Index hay quan điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dịu bớt.

Từ những yếu tố trên, các chuyên viên phân tích dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ hút ròng từ 100.000 đến 150.000 tỷ đồng, với lãi suất trung bình ở mức từ 1,1%/năm đến 1,3%/năm.

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bao-gio-ngan-hang-nha-nuoc-ngung-hut-rong.htm