Bao giờ hết cảnh "đòi nợ thuê" ?

(NB&CL) - Trong những ngày qua câu chuyện tiền tác quyền âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những đêm nhạc của ca sĩ Khánh Ly giữa Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và ban tổ chức show diễn đã gây ồn ào dư luận với rất nhiều tranh cãi “ném đá” vào nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC, đồng thời để lộ ra nhiều vấn đề trong chuyện thu tiền tác quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam.

Biến nghệ thuật thành… cái chợ

10 năm là quãng thời gian kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ chính thức ra đời, đi vào đời sống xác lập những bước đầu tiên cho lề lối ứng xử văn minh trên lĩnh vực tác quyền. Những điểm sáng như quyền lợi của người sáng tác được đảm bảo hơn, nhận thức của xã hội về bản quyền được nâng cao hơn… là điều không thể phủ nhận. Nhưng đồng thời, quá trình vận hành cũng đang bộc lộ nhiều xộc xệch, khiếm khuyết, mà vụ ầm ĩ vừa qua chỉ là một ví dụ.

Gần sát giờ diễn, Giám đốc Trung tâm bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) - nhạc sĩ Phó Đức Phương bất ngờ liên lạc với báo chí, tuyên bố sẽ đến tận sân khấu “bày tỏ thái độ phản đối đến cùng để các khán giả đi xem chương trình biết được sự việc”.Nếu cái “liều” của nhà tổ chức khi để chương trình diễn ra mà chưa thu xếp được tác quyền khiến dư luận ngán ngẩm một, thì thái độ gần giống với hành vi “ăn vạ, đòi nợ” của ông nhạc sĩ làm họ chán ngán mười. Tại các nước tiên tiến, việc tranh chấp quanh các thỏa thuận dân sự vốn là chuyện bình thường, nếu cần sẽ được phân xử ở tòa án. Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, các thỏa thuận này luôn được giữ trong vòng bí mật để bảo vệ hình ảnh cho người nghệ sĩ mà họ khai thác. Nhưng ở đây, ứng xử kém văn hóa từ cả hai phía được cho là đã phủ bóng tối lên một show diễn sang trọng, đánh đồng nó với những nhộn nhạo chợ búa tầm… “showbiz”.

Mặt khác, cũng cần nhìn thấy cả nhà tổ chức lẫn người thu tác quyền đã trải qua một giao dịch căng thẳng, đến mức phải dùng đến “hạ sách” nói trên khi một bên cần mua rẻ, còn một bên muốn được giá cao nhất. Nguồn tin của chúng tôi cho biết, trong show diễn đầu tiên, nhà tổ chức đã phải trả số tiền tác quyền lên tới gần 300 triệu đồng cho các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được trình diễn trong chương trình, tương đương 17 triệu đồng/bài. VCPMC cũng muốn có một khoản tương tự trong show lần này. Nhưng tình hình bán vé đã khiến nhà tổ chức không thể kham nổi và muốn đưa phí tác quyền đối với nhạc Trịnh về mức thông lệ 1,5 triệu đồng/bài. Ngoài lý do đây là một show diễn lớn, bên bán tác quyền còn có một lợi thế khác trong cuộc mặc cả, đó là Khánh Ly không thể lên sân khấu mà thiếu nhạc Trịnh.

Hai năm trước, trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh, VCPMC cũng đòi đơn vị tổ chức phải trả 4 triệu đồng/ca khúc, nhưng đơn vị tổ chức chỉ đồng ý trả 150.000 đồng/bài. Lời qua tiếng lại, cuối cùng chốt giá là 300.000/bài. Như vậy có thể thấy ngay sự chênh lệch khá lớn giữa công thức mà trung tâm cam kết với các tác giả ủy quyền và công thức thu thực tế.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu trung tâm có quyền tùy tiện thay đổi mức giá mà họ đã cam kết với các nhạc sĩ hay không? Và làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch về số tiền mà VCPMC đã thu được với cách thu “tùy mặt” như hiện nay?

Không chỉ là tiền nong

Chuyện tiền nong lẽ ra chẳng nặng nề đến vậy nếu các bên tranh chấp không đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Cũng như thiếu tôn trọng đối với mối quan hệ sâu nặng trong âm nhạc giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, cặp bài trùng gắn bó với nhau từ thuở còn vô danh, có khi ôm đàn hát cho khán giả nghe chỉ với thù lao là một ly cà phê. Giá trị tinh thần mà họ để lại là vô giá trong tim người nghe và không thể bị vẩn đục.

Nhưng thật khó để nói hành xử như vừa qua của các chủ thể trong ngành biểu diễn nghệ thuật sẽ không còn tái diễn trong tương lai. Thực tế, vẫn còn nhiều nhà tổ chức cố tình “lờ” đi nghĩa vụ trả tác quyền cho tới khi bị đòi. Đáp lại, VCPMC nhờ vị trí độc quyền trên lĩnh vực dịch vụ bảo vệ tác quyền, thường đơn phương áp các mức phí khác nhau gây nhiều bức xúc cho nhà tổ chức. Chưa kể, trung tâm này còn gây ức chế cho chính giới sáng tác khi lạm thu cả phí tác quyền ca khúc của nhạc sĩ mà họ không có tư cách đại diện. Thế nên mới có chuyện, trong liveshow của mình, nam ca sĩ Chế Linh bị yêu cầu phải trả tác quyền cho ca khúc do chính ông sáng tác với một bút danh khác. Nhiều nhạc sĩ có ủy quyền cho trung tâm thì lại không được minh bạch trung tâm đã tác quyền từ ai, đơn vị nào với mức phí bao nhiêu. Chuyện nhạc sĩ P.Q. phát hiện một chương trình âm nhạc ở TP.Hồ Chí Minh trả 80 triệu đồng tiền tác quyền cho ông thông qua trung tâm, nhưng vài tháng sau, ông chỉ được chia lại… 170 ngàn đồng.Câu chuyện tác quyền âm nhạc muốn đi từ hỗn mang tới trật tự văn minh, hành xử của những người xưng danh nghệ sĩ đi kinh doanh nghệ thuật không chỉ cần đúng luật, mà còn phải thể hiện văn hóa giữa những người làm nghề với nhau và với khán giả.

Bao giờ chuyện “xiết nợ âm nhạc” mới kết thúc?

Điều đó đặt ra câu hỏi: các cơ quan chức năng không có nổi biện pháp quản lý đến nỗi VCPMC phải đi đòi tiền tác quyền không khác đi... đòi nợ? Từ lâu trong quy định về thủ tục, hồ sơ xin cấp phép biểu diễn không yêu cầu phải có hợp đồng xin phép tác giả hay nói cách khác là giấy tờ chứng minh đã trả tiền tác quyền. Hơn nữa, cách tính giá tác quyền không có cơ sở thống nhất “bảng giá khung” mà được tính một cách rất mơ hồ và tùy tiện. Chính những kẽ hở của cơ chế thu tiền tác quyền đã vô tình tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất chây ì chuyện trả tiền tác quyền âm nhạc. Và, để đòi được tiền từ những người vốn quen “ăn quỵt” thì lại phải đi đòi kiểu... “rạch mặt ăn vạ”!

Nhiều ý kiến đặt vấn đề giả sử không có lời tuyên bố đòi nợ quyết liệt của giám đốc VCPMC thì liệu ban tổ chức chương trình có chịu thương lượng để chi trả số tiền tác quyền lớn như vậy trước giờ diễn không? Ở đây, rõ ràng ban tổ chức chương trình đã thiếu trách nhiệm trong thực thi quyền tác giả nhưng cái cách VCPMC buộc phải đi đòi nợ tác quyền ngay trong đêm diễn như vậy cũng chẳng hay ho chút nào. Nhưng với VCPMC, có lẽ đây là cách hành xử tốt nhất của họ trước tình trạng ngày càng nhiều chương trình biểu diễn quỵt tiền tác quyền sau khi tổ chức xong.

Nên nhớ rằng, Luật sở hữu Trí tuệ đã chính thức ra đời cách đây 10 năm. Và, đi vào đời sống xác lập những bước đầu tiên cho lề lối ứng xử văn minh trên lĩnh vực tác quyền. Thế nhưng, nhìn lại 10 năm mới thấy, làng nhạc Việt vẫn hỗn mang và mạnh ai người ấy đi đòi tác quyền. Chính điều này, vô tình biến làng nhạc Việt thành một cái chợ, “loạn” từ buổi đầu họp chợ cho đến lúc chợ tàn, kẻ bán người mua nhốn nháo. Vậy tác quyền, bản quyền ca khúc là gì trong “mớ hỗn độn” này? Nó cũng giống như quy tắc “cấm cãi nhau” trong các phiên chợ. Mà đã là chợ thì làm sao cấm cự cãi được…

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, người đang ở tâm điểm trong cơn bão dư luận xung quanh câu chuyện thu tác quyền âm nhạc show diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng đã có những trao đổi thẳng thắn xung quanh câu chuyện này. Theo ông, bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN còn là một lộ trình đầy nhọc nhằn. Nhưng trong nỗi nhọc nhằn vẫn có niềm hứng khởi của nó. Bởi sự dấn thân bao giờ cũng có chút mạo hiểm kịch tính, nó hấp dẫn và tạo những cảm hứng không kém sự sáng tạo.Đầu tiên, chắc vì sự vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của tôi, rồi đến các đồng nghiệp. Tôi thấy, cần phải đòi lại sự công bằng này bằng luật pháp và hết cả tâm lực. Làm được như thế, anh em mới không phải sống mòn mỏi, thui chột sáng tạo vì không có ai bảo vệ lợi ích xứng đáng của mình.

Ông chủ tịch Ủy ban quyền tác giả Hàn Quốc từng tâm sự với tôi rằng, Hàn Quốc không phải là nước có tài nguyên thiên nhiên giầu có, cho nên một đường lối mà chính phủ Hàn Quốc (cũng như Nhật Bản) coi như quốc sách, là phải thật sự chăm lo nuôi dưỡng và khai thác một thứ tài nguyên khác: Trí tuệ con người, để làm giàu và phát triển đất nước.

Làm công việc này là “làm dâu trăm họ”, đi giữa “hai làn đạn”. Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN còn là một lộ trình đầy nhọc nhằn. Nhưng trong nỗi nhọc nhằn vẫn có niềm hứng khởi của nó. Bởi sự dấn thân bao giờ cũng có chút mạo hiểm kịch tính, nó hấp dẫn và tạo những cảm hứng không kém sự sáng tạo. Ai đó đã nói tôi “mặc cả như mua rau ở chợ”. Cho dù tôi có đúng là như thế mà những “mớ rau” đó giúp các đồng nghiệp được chắc dạ, ấm lòng, thì cũng bõ công “kẻ dấn thân” này...

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/55/51520/Bao-gio-het-canh-doi-no-thue-.html