Báo động sạt lở ở miền Tây Nam Bộ

Đầu mùa mưa, các địa phương ĐBSCL đang hứng chịu nhiều vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, làm nhiều nhà ở, lộ giao thông nông thôn bị 'hà bá' nuốt chửng, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề.

Sạt lở bủa vây nhiều nơi

Nhiều năm qua, Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất. Theo thống kê của chính quyền sở tại, địa phương hiện có khoảng 187km bờ biển và trên 400km bờ sông đã và đang có nguy cơ sạt lở cao, ước thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng.

Đầm Dơi là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, đặc thù của nơi này là nền đất yếu, do tập quán lâu đời nên cư dân thường sinh sống tập trung ở khu vực ven sông, cộng hưởng với nền đất yếu, sức chịu lực không cao, là một trong những yếu tố dẫn tới sạt lở.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra trên 25 vụ thiên tai. Trong đó, có khoảng 23 vụ sạt lở đất ven sông, 2 vụ lốc xoáy..., đã làm hư hỏng hoàn toàn nhiều đoạn kè bê tông, sập hoàn toàn 8 căn nhà, khoảng 3.000m2 đất vuông rừng, gần 300m lộ bê tông bị sạt lở... ước thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.

Nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sạt lở đất ven sông

Trước đó, khoảng 3 giờ sáng 7.7, tuyến đường ô tô về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi bị sạt lở hoàn toàn nền và mặt đường xuống sông, dài khoảng 110m, cách UBND xã Tân Tiến, hướng về xã Nguyễn Huân khoảng 1,5km. Vụ sạt lở làm xe cộ không lưu thông được. Chính quyền địa phương phải huy động phà đưa rước xe máy cá nhân qua khu vực sạt lở.

Lãnh đạo UBND huyện Đầm Dơi cho biết huyện khẩn trương khắc phục bằng cách đổ đá cấp phối, nắn chỉnh đường vào phía trong để tạm thời phục vụ sự đi lại đối với người và xe máy, còn ô tô vẫn tạm dừng lưu thông. Đồng thời, huyện báo cáo đề xuất UBND tỉnh Cà Mau và các sở ngành khảo sát thực tế, tìm giải pháp khắc phục khẩn cấp trong thời gian sớm nhất.

Anh Nguyễn Văn Lâm ngụ huyện Đầm Dơi chia sẻ: "Sạt lở ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Nhiều tuyến đường bị sạt lở làm cho giao thông bị ách tắc, khiến việc đi lại, mua bán cũng gặp nhiều khó khăn. Mong chính quyền nên có giải pháp căn cơ để ngăn chặn sạt lở, giúp người dân an tâm lao động, sản xuất".

Tại huyện Năm Căn, ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện chho biết tính đến ngày 31.7, trên địa bàn huyện đã xảy ra 48 điểm sạt lở đất với chiều dài gần 1,5km. Trong đó, xã Tam Giang Đông có 3 địa điểm, Lâm Hải 6 điểm, Tam Giang 8 điểm, Hiệp Tùng 8 điểm, Hàm Rồng 4 điểm, Đất Mới 10 điểm, Hàng Vịnh 6 điểm và thị trấn Năm Căn 3 điểm.

“Các vụ sạt lở đã làm thiệt hại 1 phần của 30 căn nhà hộ dân, hư hỏng hoàn toàn 18 căn của 17 hộ; sụt lún 409m lộ giao thông nông thôn, bờ bao vuông tôm và một số tài sản khác. Ước tổng thiệt hại hơn 3,6 tỉ đồng”, ông Hùng nói. Đồng thời, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn thông tin thêm, lốc xoáy, triều cường đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương, ước thiệt hại hơn 4,3 tỉ đồng.

Sạt lở làm cho giao thông đường bộ bị cách trở, phải đi tạm bằng phà

Tại tỉnh Bạc Liêu, tỉnh trạng sạt lở đất ven sông tại các địa phương ven biển đang diễn biến phức tạp, một số công trình, nhà xưởng của doanh nghiệp cũng bị “hà bá” nuốt chửng, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho hay, trước đó, nhà xưởng của một doanh nghiệp trên địa bàn đã bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, gây thiệt hại tài sản khoảng 5 tỉ đồng.

Theo đó, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 23 giờ ngày 6.7, tại khu vực phía sau nhà xưởng của Công ty TNHH Dương Lộc Tiến chuyên sản xuất bột cá, ở ấp 4, thị trấn Gành Hào làm hư hỏng nhiều tài sản.

Khu vực này có kè bê tông dài 50m, rộng 40m, sạt lở đã làm thiệt hại 1 nhà xưởng tiền chế. Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, phần sau nhà xưởng của Công ty Dương Lộc Tiến tiếp giáp tuyến sông Gành Hào có dòng nước chảy rất mạnh. Mặc dù doanh nghiệp vừa xây dựng phần kè chắn bên ngoài để bảo vệ nhưng vẫn không ngăn được sạt lở.

Theo ông Hán, ngay khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng huyện Đông Hải đã có mặt tại hiện trường khảo sát, ghi nhận, tìm giải pháp pháp khắc phục hậu quả; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên người bị thiệt hại. Chính quyền địa phương cũng đã cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương di dời toàn bộ tài sản, máy móc, trang thiết bị của nhà máy đến nơi an toàn; kịp thời thông báo cho cán bộ và công nhân viên của doanh nghiệp nắm rõ khu vực sạt lở để có biện pháp phòng tránh.

Tình trạng sạt lở đất ven sông ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp

Trước đó, lúc 2 giờ ngày 9.6, tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải cũng xảy ra vụ sạt lở, gây thiệt hại nặng về tài sản của Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Trường Phúc. Đoạn sạt lở có chiều dài 59m, chiều ngang 20m, tổng diện tích sạt lở khoảng 1.180m2, gồm nhà xưởng xây dựng tiền chế; 1 hồ xử lý nước thải, cùng toàn bộ hàng rào bê tông, thiệt hại tài sản hơn 2 tỉ đồng.

Tìm giải pháp khắc phục

Trước tình trạng sạt lở uy hiếp nhiều nơi như hiện nay, ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn nói huyện đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo ông Hùng, có nhiều cách để hạn chế tình trạng sạt lở, trong đó có cách ngắn hạn, dài hạn.

Về ngắn hạn, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn khuyến cáo người dân không nên xây dựng nhà kiên cố, để quá nhiều đồ vật nặng trong nhà. Đồng thời, cần gia cố trụ móng nhà cho chắc chắn. “Đặc thù địa phương có nền hạ yếu, khi xây nhà kiên cố, sức nặng đè lên khiến cho khả nặng chịu tải của nền hạ không tốt, từ đó dẫn tới sạt lở là vấn đề sớm hay muộn.

Người dân không nên lấn chiếm lòng sông để xây dựng nhà ở, bởi lâu nay cư dân (chủ yếu dân nghèo) thường chọn khu vực ven sông để sinh sống, vì thuận lợi cho việc kinh doanh, mua bán. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để giúp cho người dân hiều về mức độ nguy hiểm của sạt lở mà chủ động phòng tránh”, ông Hùng khuyến cáo.

Người dân tự gia cố bờ sông chống sạt lở

Về lâu dài, theo Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cần quy hoạch lại dân cư, tiến hành di dời dân, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con và xây dựng kè kiên cố để chống sạt lở...

Tuy nhiên, đây là vấn đề làm tiêu tốn nhiều kinh phí, không thể một sớm một chiều mà có thể giải quyết được và đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành từ trung ương, đến địa phương.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết Cà Mau đã và đang chịu tổn thương nặng nề bởi sạt lở. Tình hình sạt lở trên địa bàn đang diễn ra từ bờ biển đến ven sông. “Địa phương có 254km bờ biển, nhưng có đến 187km bị sạt lở. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển khiến cho Cà Mau mất hơn 5.000ha đất và rừng phòng hộ, tương đương diện tích 1 xã của tỉnh”, ông Việt đánh giá.

Việc gia cố này chỉ là giải pháp tạm thời

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ sông ở địa phương rất phức tạp, đầu mùa mưa 2023 đến nay, địa phương đã xảy ra hơn 200 vụ sạt lở, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh Cà Mau đã ưu tiên đầu tư những nơi cần thiết nhất, triển khai những biện pháp phù hợp nhất để giảm thiểu tác động, thiệt hại của sạt lở ở mức thấp nhất.

Tỉnh Cà Mau đã tập trung nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục nên hạn chế mức độ thiệt hại. Công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực sạt lở nâng cao nhận thức được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đối với những vị trí đã và đang sạt lở, tỉnh đánh giá mức độ tác động, nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại và đưa ra những giải pháp đầu tư phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xác định, tại các vị trí sạt lở như bờ sông, tỉnh ưu tiên thực hiện xử lý, khắc phục đảm bảo giao thông được thông suốt. Riêng các công trình dọc theo các tuyến sông, địa phương lựa chọn phương án tuyến, phạm vi lấy đất đắp nền đường để hạn chế tối đa sạt lở, sụt lún trong quá trình khai thác, sử dụng.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bao-dong-sat-lo-o-mien-tay-nam-bo-203038.html