Báo động gia tăng các bệnh về mắt ở trẻ em

Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ, công chức, người lao động và học sinh, sinh viên thường xuyên phải sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi… phục vụ giảng dạy, học tập và làm việc online hoặc giải trí. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng người mắc bệnh về mắt tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, nhất là ở lứa tuổi học sinh.

Bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sàng lọc các bệnh về mắt cho trẻ em. Ảnh: Dương Chung

Nhiều bệnh lý về mắt

Dù mới 7 tuổi nhưng do mắc nhiều tật khúc xạ nên em Nguyễn Ngọc Khánh Phương ở phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) phải nhập viện để phẫu thuật kịp thời. Theo chỉ định của bác sĩ, em Phương sau khi điều trị bằng thuốc và đeo kính một thời gian thì bắt buộc phải mổ để đảm bảo thị lực tốt nhất.

Nguyên nhân chính được bố mẹ em chia sẻ là do thời điểm dịch bệnh, em ở nhà học trực tuyến một mình và không có sự giám sát của người lớn nên thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều.

Còn em Hoàng Phúc Minh, sinh năm 2012, ở xã Tam Hồng (Yên Lạc) thì mấy tháng trở lại đây, chiếc kính cận đã trở thành vật bất ly thân với em. Chị Dương Thị Tuyền, mẹ của Minh cho biết:

"Trước đây con tôi cũng đã bị cận nhẹ 1,5 đi ốp, nhưng gần đây thấy con kêu mỏi mắt, nhìn sách mờ và thi thoảng bị đau mắt nên tôi đã đưa con đi khám thì phát hiện mắt của cháu đã tăng độ cận lên đến 3,5 đi ốp.

Cũng biết một phần là do các cháu tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhiều trong thời gian học online trước đây nhưng nay đến nghỉ hè cũng không khỏi lo lắng cho đôi mắt của con khi bố mẹ đều đi làm cả ngày nên việc quản lý các con sử dụng các thiết bị điện tử cũng không thể sát sao được".

Theo các bác sĩ tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì sau đợt dịch Covid-19 kéo dài đã có rất nhiều trẻ đến khám mắt và qua đó phát hiện nhiều em mắc các tật khúc xạ và bệnh về mắt, có em chỉ mới 4 - 5 tuổi đã bị cận, phải đeo kính.

Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận khám và điều trị các bệnh về mắt cho gần 3.000 người, số lượng bệnh nhân ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Qua thăm khám phát hiện bệnh nhân là học sinh chủ yếu mắc các bệnh và tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, lác… còn bệnh nhân ở độ tuổi từ 40 trở lên thì số lượng người bị đục thủy tinh, viêm loét giác mạc, tăng nhãn áp… chiếm tỷ lệ phổ biến.

Theo số liệu thống kê qua các đợt điều tra và khám của bệnh viện từ năm 2016 đến nay thì các tật khúc xạ phổ biến mà các em từ mẫu giáo đến THPT hay mắc là cận thị với tỷ lệ mắc từ 10 - 25% ở nông thôn và từ 25 - 40% ở thành thị.

Khuyến cáo của bác sĩ

Các bác sĩ nêu nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng các bệnh về mắt chủ yếu là việc tiếp xúc quá lâu, quá nhiều và không khoa học đối với các thiết bị điện tử của cả người lớn và trẻ em, dẫn tới tổn thương thị lực, gây ra hội chứng thị giác màn hình, tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng và vô số các ảnh hưởng tiêu cực khác tới sức khỏe.

Bên cạnh đó, có một số người bị các tật khúc xạ nhưng lại không đi thăm khám và điều trị kịp thời dẫn tới việc phục hồi thị lực bị ảnh hưởng.

Nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, các em học sinh về tật khúc xạ và chung tay thực hiện mục tiêu Chương trình quốc gia phòng chống mù lòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động chăm sóc mắt tại cộng đồng.

Trong đó, nổi bật là chương trình “Ánh mắt trẻ thơ” được tổ chức thường niên từ năm 1997 đến nay. Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức khám, sàng lọc bệnh lý về mắt tại cộng đồng cho các đối tượng người già và học sinh.

Mới đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức khám, đo thị lực miễn phí cho gần 900 học sinh trong độ tuổi tiểu học trên địa bàn xã Quang Yên (Sông Lô); phát hiện 136 học sinh có tật khúc xạ (chiếm 16,2%).

Qua các chương trình khám, sàng lọc tại cộng đồng trong những năm qua đã có nhiều trẻ em, người già được triển khai mổ mắt miễn phí, mang lại đôi mắt khỏe mạnh.

Các bệnh lý về mắt và tật khúc xạ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến họ gặp nhiều khó khăn, hạn chế năng lực và sự độc lập trong cuộc sống. Một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương sâu, mù lòa một phần hoặc toàn bộ.

Để góp phần giảm tỷ lệ tật khúc xạ và các bệnh về mắt, nhất là đối với các em học sinh, thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Hà, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa ra một số khuyến cáo như: Ngồi học đúng tư thế, đảm bảo đủ ánh sáng khi học tập và chú ý đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, cân bằng giữa học tập và vui chơi, trong đó, nên hạn chế giải trí bằng điện thoại, máy tính, ti vi. Cần khám mắt định kỳ từ 3 đến 6 tháng để phát hiện sớm các tật khúc xạ và đeo kính phù hợp khi mắc các tật khúc xạ.

Bình Duyên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/81770/bao-dong-gia-tang-cac-benh-ve-mat-o-tre-em.html