Bảo đảm tiền lương, phụ cấp cho nhân lực y tế cơ sở 'đủ sống'

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, Thủ tướng yêu cầu 'nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo'.

Cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng

Chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở tuyến cơ sở có vai trò quan trọng. Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta chưa thực hiện tốt việc quản lý yếu tố nguy cơ sàng lọc, phát hiện bệnh sớm tại các trạm y tế xã. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Có không ít bác sĩ đã không đủ nhiệt huyết để gắn bó với tuyến y tế cơ sở.

Y, bác sĩ Trạm Y tế xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình khám, chữa bệnh cho người dân. Nguồn: danvan.vn

Thực tế này cũng được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Theo đó, tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo. “Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và tính chất công việc, chưa bao phủ hết đối tượng” - nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Số lượng bác sĩ ở tuyến cơ sở ngày càng giảm. Chỉ tính trong giai đoạn 2018 - 2021, đã giảm 2.238 bác sĩ làm việc ở trạm y tế xã. Cùng với đó, khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Việc quản lý sức khỏe toàn dân tại tuyến xã chưa liên tục, dữ liệu chưa liên thông và đồng bộ.

Chúng ta đã trải qua đại dịch Covid-19, càng thấu hiểu được sự vất vả, cống hiến của các nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế cơ sở. Làm việc trong môi trường đặc thù, đặc biệt và ẩn chứa nhiều rủi ro đến sức khỏe, tính mạng. Khi dịch bệnh xảy ra, cán bộ, nhân viên y tế luôn là những người có mặt ở tuyến đầu, bất kể ngày đêm. Vất vả, khó khăn và hy sinh là vậy nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này vẫn chưa tương xứng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm hơn 2.200 bác sĩ làm việc ở trạm y tế xã chỉ trong vòng 3 năm (từ 2018 - 2021). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là cơ chế đãi ngộ chưa đủ sức thu hút và bảo đảm để nhân viên y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.

Chế độ đối với nhân lực y tế cơ sở chưa tương xứng không chỉ là “tâm tư” của những người trong cuộc - những người ngày đêm không quản ngại khó khăn vì sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, mà còn là mối quan tâm của những người làm chính sách. Đây cũng là vấn đề “nóng” ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhấn mạnh, nhân lực y tế được xem là tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển y tế của tuyến cơ sở; là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, luôn theo sát người dân nhất, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện nhiệm vụ quản lý và theo dõi người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn. Tuy vậy, còn 11% trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm. Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nói.

Có chính sách thu hút nhân lực cho y tế cơ sở

Y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu trực tiếp và gần với người dân nhất. Nếu tuyến cơ sở làm tốt, sẽ giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Do đó, cần có cơ chế chính sách thỏa đáng để phát triển y tế cơ sở nói chung, cơ chế chính sách cho nhân lực y tế cơ sở nói riêng.

Nhân lực được coi là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong định hướng phát triển y tế cơ sở. Do đó, ngoài cơ chế tài chính đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, rất cần cơ chế tiền lương đủ hấp dẫn để thu hút, “giữ chân” các y, bác sĩ tuyến cơ sở. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), cần quan tâm, có các giải pháp để tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng. Cùng với đó, phải tạo được môi trường, điều kiện để cho các nhân viên y tế được phát triển bản thân, có như vậy mới tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội cũng nêu rõ, nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cùng với đó, khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, Kế hoạch của Thủ tướng cũng đã có, mong rằng, các chính sách về tiền lương, phụ cấp cũng như chế độ đãi ngộ đủ sức thu hút, giữ chân nhân lực y tế ở cơ sở sớm được ban hành. Chỉ khi thu nhập đủ sống thì y, bác sĩ mới yên tâm công tác và cống hiến toàn tâm, toàn ý chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bao-dam-tien-luong-phu-cap-cho-nhan-luc-y-te-co-so-du-song-i367328/