Bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

ĐB Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn khi tình hình quốc tế, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố tác động dẫn tới giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khiến các địa phương gặp lúng túng trong triển khai dự án.

Bà Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Theo ĐB Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước nhưng chưa đạt như yêu cầu. “Cần tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công”- ông Huy nói và cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

ĐB Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TPHCM) cho rằng, các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục với bên vay. Vì vậy cần nghiên cứu một số dự án lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền. “Ngoài hoàn thành hệ thống giao thông đường bộ, cần sớm tập trung quy hoạch. Chính phủ cần sớm đề xuất Quốc hội giải pháp hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn tới các tỉnh, thành trong cả nước” - bà Lệ đề xuất.

Trong khi đó, để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, ĐB Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đề nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn đến nền kinh tế, sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo ông Minh, đây là những dự án đã có kế hoạch, cần được đẩy nhanh đầu tư, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia.

“Nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc” - ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị.

Tăng thu ngân sách

Theo đánh giá của ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm. Trong khi đó tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ có hướng tăng và tiếp cận với mức trần.

“Năm 2023 có khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách” - bà Lan cho hay.

Bà Lan đề nghị, Chính phủ quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về thu, chi ngân sách. Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách. Đồng thời Chính phủ cần có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước và bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.

Theo ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre), để bù đắp các khoản thu, chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho địa phương thu ở các lĩnh vực khác để cân đối thu - chi. “Ví dụ, với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các tỉnh ven biển, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, cần tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển lĩnh vực này để có nguồn thu bù đắp. Hay như 21 tỉnh thành phía Nam có lợi thế là có nguồn thu từ sổ xố kiến thiết, nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công. Quá trình chi từ nguồn này theo chính sách của Chính phủ vừa qua đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới. Vì thế nên để HĐND của các tỉnh thành quyết định việc sử dụng nguồn thu từ sổ xố kiến thiết cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương” - ông Sơn đề xuất.

Về kỷ luật quản lý tài chính ngân sách, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị, chỉ ban hành chính sách tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đàm bảo, hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương. Quản lý chặt chẽ nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới, đối tượng mở rộng hơn. Việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Đồng thời cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Số tiền hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chứ không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay” - ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) kiến nghị.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới, đối tượng mở rộng hơn. Việc giảm thuế VAT nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Đồng thời cần rà soát các khoản chi trong Nghị quyết 43 để chuyển nguồn, chuyển đối tượng. Số tiền hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chứ không nên hạ chuẩn điều kiện cho vay” - ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) kiến nghị.

M.Loan-H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-dam-ky-cuong-tai-chinh-ngan-sach-5743050.html