Bảo đảm khả thi trong thực hiện kế hoạch phát triển điện quốc gia

Ngày 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề hệ trọng của đất nước về an ninh năng lượng phục vụ phát triển KT-XH. Kế hoạch nhằm xác định danh mục các dự án, đề án, quy mô công suất theo loại hình nguồn điện, giải pháp để triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong việc triển khai thực hiện; định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Kế hoạch cũng thể hiện rõ danh mục các dự án về tổng nguồn, cơ cấu nguồn, cơ cấu hệ thống truyền tải. Trong đó, nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo không giới hạn, phấn đấu điện áp mái tăng thêm 2.600 MW vào năm 2030. Nội dung này được nhiều địa phương quan tâm và nêu ý kiến.

Theo Sở Công Thương, tỉnh Bắc Giang có tiềm năng để khai thác điện mặt trời mái nhà tại tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học, khu, cụm công nghiệp với tiềm năng kỹ thuật khoảng 2.320 MW. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp thì việc bổ sung các nguồn phát điện cấp cho tỉnh Bắc Giang là hết sức cần thiết. Trong đó, Bắc Giang ưu tiên việc phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, vì vậy cần văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể để khuyến khích và phát triển điện mặt trời mái nhà.

Một số đại biểu nêu, trong Quy hoạch điện VIII đề ra phát triển điện mặt trời áp mái không giới hạn đối với điện tự sản, tự tiêu (không đấu nối). Trên thực tế, nếu không đấu nối thì điện tái tạo không thể hoạt động được mà vẫn cần điện nền.

Qua đó, cần giải thích rõ và đề nghị Chính phủ ủy quyền cho các địa phương tự chịu trách nhiệm về thực hiện dự án điện tái tạo, khi triển khai sẽ báo cáo Bộ Công Thương; bổ sung dự án về hạ tầng điện; có hướng dẫn sớm về giá điện tái tạo.

Về vấn đề này, đồng chí Trần Hồng Hà lý giải, phát triển điện năng lượng tái tạo không giới hạn song cần hiểu là cần các yếu tố kỹ thuật đi kèm để bảo đảm an toàn, nếu không sẽ bị rã lưới. Đồng chí giao Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn các điều kiện để các địa phương thực hiện. Sau hội nghị này, Bộ Công Thương có phản hồi đề xuất dự án điện của các địa phương.

Về các nội dung khác, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại toàn bộ kế hoạch, bảo đảm thực hiện có khả thi, đưa ra giải pháp cụ thể. Trong danh mục dự án cần ưu tiên dự án cấp bách, đánh giá khả năng rủi ro của các dự án để dự phòng bù nguồn vào chỗ thiếu hụt. Quan điểm của Chính phủ là ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nên cần bảo đảm sao cho khuyến khích được các dự án này phát triển. Phó Thủ tướng cũng lưu ý tuyệt đối không hợp thức hóa sai phạm.

Việc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục xin ý kiến trong thời gian tới, dự kiến trước 5/11.

Tin, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414216/bao-dam-kha-thi-trong-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-dien-quoc-gia.html