Bảo đảm đủ nước đổ ải vụ đông xuân

Theo Tổng cục Thủy lợi, sau ba đợt lấy nước đổ ải cho khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ phục vụ gieo cấy lúa đông xuân, đến nay, diện tích có nước toàn vùng là 588.317 ha, đạt bình quân gần 95% kế hoạch.

Đối với một số khu vực khó khăn về nước, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương đã lên phương án cụ thể, bảo đảm cấp đủ nước phục vụ gieo cấy. Cụ thể, khoảng 1.500 ha thuộc các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất (Hà Nội) sẽ cấp nước bằng trạm bơm dã chiến Phù Sa. Khoảng 3.000 ha thuộc huyện Kinh Môn (Hải Dương) lợi dụng nguồn nước thủy triều để cấp nước. Khoảng 700 ha thuộc huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cấp nước bằng nguồn nước nội địa và lợi dụng thủy triều. Ngoài ra, các diện tích nhỏ lẻ sẽ được cấp bằng nước đã tích trữ vào hệ thống sông nội địa, kênh mương từ các đợt xả nước.

* Những ngày qua, trên địa bàn huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) nhiệt độ tiếp tục xuống thấp. Để chống rét cho cây trồng, vật nuôi, huyện chỉ đạo các địa phương đưa nước vào với mực nước 3-5 cm để giữ ấm, không được để khô ruộng; đối với vật nuôi, không chăn thả và sử dụng trâu bò cày kéo vào những ngày giá rét, che chắn chuồng trại, cung cấp đủ thức ăn, nước uống.

* Cây sầu riêng ở Đác Lắc chết hàng loạt: Hơn một tháng nay, hiện tượng cây sầu riêng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, và thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc (Đác Lắc), gây thiệt hại nặng về kinh tế, khiến nông dân hoang mang. Hiện chưa thống kê được diện tích và ước tính thiệt hại, nhưng theo kết quả khảo sát bước đầu của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hầu hết các vườn cây đều bị nhiễm bệnh, với tỷ lệ hại 70-80%. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm đặc trị, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao đối với những vườn sầu riêng đang nhiễm bệnh.

* Tại vùng tứ giác Long Xuyên, có khoảng 15 nghìn ha lúa đông xuân muộn, có nguy cơ mất trắng do muỗi hành tấn công, nhiều diện tích không còn khả năng khắc phục. Theo người dân, muỗi hành bùng phát từ sau Tết Nguyên đán, do gieo sạ muộn, điều kiện vệ sinh đồng ruộng không tốt, độ ẩm tăng cao.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo, khu vực trên tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh; vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và phía tây khu vực nam Biển Đông, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2 đến 4m.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/32052402-bao-dam-du-nuoc-do-ai-vu-dong-xuan.html