Bảo đảm chất lượng sống, văn hóa cộng đồng có đất bị thu hồi

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3-11, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp ý kiến.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất và cơ quan nào sẽ quyết định.

“Luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trường hợp mà chưa làm rõ được thì sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn”, đại biểu nêu ý kiến.

Nêu thực tiễn đòi hỏi giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa Luật Đất đai lần này, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho biết, tại dự thảo Luật đã quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với việc liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

“Quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vì vậy, Quốc hội cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo Luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng, thực hiện dự án”, đại biểu đoàn Bắc Giang nói.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) thảo luận.

Về thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, dự án quốc gia công cộng, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho rằng, quy định thời gian vận động chỉ có 10 ngày là chưa đủ. Đồng thời, thực tiễn xét xử các vụ việc hành chính có liên quan đến quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, quyết định cưỡng chế thì luôn đòi hỏi phải có xác định rõ số lần vận động và phải lập biên bản. Do đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng thêm thời gian vận động trên 15 ngày và vận động 3 lần, sau đó mới ban hành quyết định.

Với quy định thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 30 ngày, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, trong quá trình lấy ý kiến, nhiều cử tri hay cán bộ ở cơ sở làm công tác này cho rằng, thực tế thời gian niêm yết chỉ cần từ 15 ngày cho đến 20 ngày là hợp lý.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án một cách hợp lý và vẫn bảo đảm thủ tục, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định mở ra như sau: Thời gian niêm yết phương án bồi thường là 15 ngày, đối với vùng cao do điều kiện đi lại khó khăn thì thời gian niêm yết là 30 ngày. Trường hợp chưa hết thời gian niêm yết, phương án bồi thường mà người bị thu hồi đất đồng ý 100% với phương án bồi thường thì trình thẩm định phê duyệt khi chưa hết thời gian niêm yết.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Điều 79 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 31 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trường hợp thu hồi đất không thuộc các trường hợp nêu trên thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-dam-chat-luong-song-van-hoa-cong-dong-co-dat-bi-thu-hoi-646883.html