Bảo đảm an toàn tính mạng trong hoạt động thể thao

Sự cố đáng tiếc tại Giải siêu marathon Việt Nam 2024 mới đây khi một chân chạy phong trào gặp vấn đề sức khỏe và dù được cấp cứu kịp thời nhưng đã không qua khỏi. Thực tế, việc có người tử vong không phải lần đầu xảy ra tại một giải marathon tại Việt Nam. Nguyên nhân được xác định là do người chạy gặp sự cố bất chợt về sức khỏe.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, công tác tổ chức các giải marathon phong trào là do đơn vị tổ chức phối hợp cùng địa phương đăng cai thực hiện. Do đó, những vấn đề xảy ra là ban tổ chức đều có trách nhiệm xử lý. Dù ngành thể thao không phải đơn vị tổ chức và không có trách nhiệm trong đó nhưng chắc chắn sau sự cố ở Giải siêu marathon Việt Nam 2024, chúng tôi sẽ có những yêu cầu cao hơn trong khâu tổ chức giải chạy.

Các chân chạy phong trào tranh tài tại Tiền Phong Marathon 2024. Ảnh: NHƯ Ý

Hiện ở tất cả các giải marathon, quy định để tham dự khá cụ thể. Đó là vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp hoặc chân chạy phong trào khi tham gia phải bảo đảm sức khỏe, có ký cam kết với ban tổ chức tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề sức khỏe của bản thân trong lúc thi đấu. Nghĩa là, trách nhiệm của nhà tổ chức cùng trách nhiệm của người tham dự được phân định rõ ràng. Dĩ nhiên, giải đấu nào cũng bố trí đội ngũ y tế hỗ trợ ban tổ chức nhưng với các giải có địa hình đường chạy khó thì việc bố trí các chốt y tế kịp tới nơi sơ cứu người gặp nạn mới quan trọng. Chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy nhận định: “VĐV tham dự chạy phải biết khả năng của bản thân nhưng không ai nói trước được điều gì. Các điểm chốt có đội ngũ tiếp nước và đội ngũ y tế trên đường rất quan trọng và phải được tính toán phù hợp để nếu cần sơ cứu thì phải có mặt nhanh nhất. Sơ cứu ban đầu luôn là thời điểm vàng để cứu người".

Hầu hết VĐV tham dự marathon hay chạy cự ly dài ở Việt Nam đều tự trang bị kiến thức về y tế, sức khỏe. Các diễn đàn trên mạng xã hội của cộng đồng người chạy bộ Việt Nam như “Nghiện chạy bộ”, “Mê chạy bộ”... rất nhiều chia sẻ các phương pháp bảo đảm thể lực, làm sao có được sự an toàn trước, trong và sau chạy bộ được nhiều người trao đổi. Chuyên gia hồi phục thể lực Phạm Minh Tiện là một trong những người hoạt động tích cực ở diễn đàn “Mê chạy bộ” và ông thường xuyên sản xuất các video ngắn hướng dẫn các phương pháp khoa học nhất giúp người chạy bộ bảo đảm sức khỏe. Rất nhiều người chạy bộ có khúc mắc đều được ông Tiện phân tích, chia sẻ tận tình.

Trong khi đó, bác sĩ Phương Nguyễn đồng thời là người đam mê chạy bộ đã đưa ra 4 lời khuyên, 5 điều không nên làm dành cho dân chạy bộ. Bác sĩ Phương Nguyễn chỉ ra rằng: “Đừng quá cố gắng, nếu thấy mệt, nhịp tim tăng cao thì người chạy nên chậm lại và giảm dần cường độ cho đến khi đi bộ. Khẩu hiệu “hãy lắng nghe cơ thể mình” luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Khi thấy mệt, hoa mắt chóng mặt, tê đầu chi, khó thở, đau ngực, nặng ngực hay bất kỳ bất thường nào thì người chạy nên dừng lại”.

DIỆU PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bao-dam-an-toan-tinh-mang-trong-hoat-dong-the-thao-771269