Bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng

Thời gian qua các ngành, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ cá khoai không rõ nguồn gốc, chứa phóc môn.

Toàn tỉnh hiện có gần 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn các cơ sở đã quan tâm đến chất lượng hàng hóa, lựa chọn những sản phẩm bảo đảm ATTP, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn lưu hành nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra. Đây là thách thức lớn cho ngành chức năng trong công tác quản lý. Để hạn chế tối đa mối nguy về mất ATTP, các lực lượng chức năng, các địa phương đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đến nay đã có 100% địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Tiến hành lấy mẫu giám sát cụ thể theo chỉ tiêu phân bổ nhằm đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phổ biến có nguy cơ cao trên địa bàn. Theo đó, 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã thành lập 1.250 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; tiến hành thanh tra, kiểm tra 27.555 cơ sở, trong đó có 26.631 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện 924 cơ sở vi phạm; phạt tiền đối với 695 cơ sở với số tiền 2.258 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Điển hình như Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bắt quả tang hai đối tượng Nguyễn Ngọc Sơn và Đào Thị Yến (thường trú tại số nhà 03/229 Trường Thi, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) có hành vi sản xuất hàng giả (sử dụng mì chính do Trung Quốc sản xuất để sang bao, đóng gói giả các hãng A-One, Miwon, Saji và sử dụng hạt nêm bếp Hồng Việt để sang bao, đóng gói giả hạt nêm Knorr) tại địa chỉ số 11/01 Trần Thị Nam, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa. Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng trên và tịch thu nhiều tang vật vi phạm như 2 máy hàn nhiệt miệng, 6 vỏ bao bì xác rắn loại 20 kg in chữ “Family hạt nêm bếp Hồng Việt”, 12 vỏ bao nilon loại 10 kg in chữ “Hạt nêm bếp Hồng Việt, sản phẩm của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, địa chỉ: Khu 12, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ...”, 244 túi nilon in nhãn hiệu A-one loại 453 gam/gói đựng hạt màu trắng, 147 túi nilon in nhãn hiệu Ajinomoto loại 400g/gói đựng hạt màu trắng, 75 túi nilon in nhãn hiệu Miwon loại 1 kg/túi đựng hạt màu trắng...

Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 5.815 mẫu thực phẩm, phát hiện 287 mẫu vi phạm. Trong đó, xét nghiệm tại Labo 3.095 mẫu, phát hiện 109 mẫu vi phạm; xét nghiệm nhanh tại hiện trường 2.720 mẫu, phát hiện 178 mẫu vi phạm. Công tác kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn xã ATTP, ATTP nâng cao được quan tâm. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục bảo đảm ATTP được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức người dân, của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước về đảm bảo ATTP theo đúng quy định; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm; số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP, ATTP nâng cao đạt thấp so với kế hoạch. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh ăn uống chưa thực sự quan tâm, duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP. Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa mang tính răn đe; vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP, thời gian tới Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, đến cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm ATTP của cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người dân. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bao-dam-an-toan-suc-khoe-cho-nguoi-tieu-dung/29502.htm