Bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi ở Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang có gần 620 hồ, đập cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó có 45 công trình xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, đòi hỏi có những giải pháp sớm khắc phục.

Tràn xả lũ hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn) bị rò rỉ, thẩm thấu. Ảnh: TRỊNH LAN

Công trình xuống cấp

Những ngày qua, việc các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang phải xả đáy để cắt lũ tại các hồ chứa, làm cho mực nước các sông phía hạ du dâng cao, cộng thêm lưu lượng hàng nghìn m3/giây, khiến nhiều công trình hồ, đập, tuyến đê xung yếu trở nên mong manh. Trong đó có đoạn đê sông Thương tại K42 + 300 đến K43+800 qua địa bàn xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang dài 1.500 m đã xảy ra hiện tượng lún, nứt mặt đê, với nhiều khe nứt từ 30 đến 40 cm, lan rộng vào hai phần ba mặt đê bê-tông.

Trước mắt, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân để khắc phục.

Không chỉ hệ thống đê bao hư hỏng, xuống cấp, nhiều công trình hồ chứa, đập thủy lợi ở Bắc Giang cũng đang kêu cứu. Trao đổi với chúng tôi về tình hình các hồ chứa hiện nay, ông Hoàng Quốc Bảo, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Cầu Sơn, lo lắng: Công ty chúng tôi chịu trách nhiệm quản lý 13 hồ chứa, hiện nay nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Đơn cử, năm hồ lớn ở huyện Lục Nam, có dung tích thiết kế từ 700 nghìn m3 đến khoảng 2 triệu m3, gồm: Ba Bãi, Chùa Ông, Cửa Cốc, Khe Ráy, Khe Cát. Hầu hết các hồ nêu trên thân đập bị thẩm lậu, rò rỉ nước, tràn xây bằng gạch bị lún, cống bị rò rỉ, nhiều hồ có tổ mối ở thân đập cần xử lý. Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa mưa lũ, hiện chúng tôi chỉ dám tích nước từ 30 đến 50% so với dung tích thiết kế.

Khảo sát tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều hồ chứa đang rơi vào cảnh tương tự như ở Lục Nam. Tại Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao có dung tích thiết kế hơn 16 triệu m3, được xây dựng cách đây hơn 50 năm, nhằm bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các xã Kiên Lao, Kiên Thành, Thanh Hải. Qua thời gian sử dụng, do hạn chế về kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đến nay, nhiều hạng mục xuống cấp. Hiện nay, mái đá thượng lưu bị phong hóa vỡ vụn, xô tụt nhiều chỗ; mái hạ lưu bị xói lở, xuất hiện nhiều tổ mối ở các cao trình; đoạn tiếp giáp giữa hai bên đầu tràn xả lũ có hiện tượng rò rỉ nước. Cũng tại Lục Ngạn, hồ Đá Mài đang có hiện tượng thấm tại chân đập phía vai phải, phần mái đất tiếp giáp chân bê-tông của đập phụ hai bị xói lở gây lún võng bê-tông lát mái…

Chưa ở mức "báo động" như các hồ nêu trên, nhưng hiện nay hồ Cấm Sơn phần đập đất rãnh thoát nước kết cấu đá xây bị xô sạt khá nghiêm trọng, tràn xả lũ gioăng cao-su giữa cánh tràn và tường bên bị hở gây rò rỉ nước, cửa van cống xả cát không kín, thiết bị đo độ mở cánh tràn hư hỏng. Bên cạnh đó, cống lấy nước khớp nối số 4 bị rò rỉ, các tấm bê-tông đậy nắp các khớp nối bị xâm thực đã vỡ, cánh đóng nhanh rò rỉ, mái đá hạ lưu cống lấy nước bị xói, xô sạt cần được tu bổ. Tại huyện Yên Thế, các hồ: Suối Ven, Chùa Sừng, Hồng Lĩnh, Chồng Chềnh, Cầu Cài cũng đang bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao khi mưa lũ xảy ra.

Lấy phòng làm chính

Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, đập, ông Hoàng Quốc Bảo, Công ty Cầu Sơn cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão một số đơn vị thủy nông đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão và chuẩn bị một số vật tư như: bao tải, tre, gỗ, bạt chắn sóng, đất, rọ đá sẵn sàng hàn vá thân đê, chân đập, hồ chứa. Tuy nhiên, những phương tiện, vật tư này chỉ ứng phó được trong trường hợp xảy ra sự cố nhỏ. Về lâu dài cần đầu tư kinh phí để tu sửa mới.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phạm Văn Đưởng cho biết, trong số gần 620 hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn, phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, trong đó có nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, nhưng để cải tạo, nâng cấp cần hơn 300 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, trong khi nguồn ngân sách địa phương hầu như không có. Riêng nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 13 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng nằm trong dự án "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập" (WB8) giống như chiếc phao cứu sinh trong bối cảnh nguồn kinh phí ở địa phương eo hẹp, nhưng hiện nay tiến độ triển khai còn chậm.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Giang Lê Thành Chung cho rằng, trước mắt các chủ hồ, đập cần kiểm tra khả năng trữ nước của các hồ, chủ động xả nước khi công trình không bảo đảm an toàn; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước, tình hình thời tiết để chủ động ứng phó; xây dựng chi tiết phương án bảo đảm an toàn hồ chứa, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn bộ hạng mục công trình thủy lợi thuộc phạm vi địa phương, đơn vị quản lý. Đồng thời, phải tuân thủ vận hành, điều tiết các hồ chứa nước theo quy trình đã được phê duyệt; căn cứ vào hiện trạng công trình, tình hình thời tiết và diễn biến của mưa lũ, các chủ đập cần chủ động điều tiết mực nước hồ hợp lý, bảo đảm tích đủ nước phục vụ sản xuất và an toàn công trình trong mưa lũ, không được tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần khẩn trương có các giải pháp khắc phục, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương đầu tư tu bổ, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp, kiểm định và đánh giá mức độ an toàn của đập theo quy định, nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

MINH HUỆ và ĐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33614802-bao-dam-an-toan-ho-dap-cong-trinh-thuy-loi-o-bac-giang.html