Báo chí là kênh thông tin hữu hiệu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) kết hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) và Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công thương cho thấy: Nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đã coi báo chí, truyền thông là kênh thông tin hữu hiệu để chuyển thông điệp đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD).

Vai trò tích cực của báo chí

Theo kết quả cuộc khảo sát, có đến 39% số NTD được hỏi cho biết họ đã liên hệ với cơ quan báo chí, truyền thông khi cần giải quyết, khiếu nại về những vi phạm quyền lợi của mình (so với 20% số NTD cho hay họ đã tìm đến cơ quan trọng tài hay tòa án). Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BVQLNTD thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các phương tiện truyền thông, truyền hình, báo chí (kể cả báo điện tử và báo giấy) đã là những phương thức tuyên truyền chiếm tỷ lệ cao nhất, mà thông qua đó, NTD đã ngày càng hiểu hơn đến Luật BVQLNTD.

Một buổi hội nghị công tác truyền thông năm 2016 (Ảnh: Internet)

Kết quả khảo sát cũng biểu hiện, có hơn 70% NTD nhờ đến các cơ quan báo chí, truyền thông nên họ đã nhận thức rõ các quyền lợi căn bản của mình, như: Quyền được cung cấp thông tin; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền được khiếu nại, tố cáo…

Vai trò của tổ chức xã hội BVQLNTD

Có đến 52% số NTD tham gia cuộc khảo sát cho biết họ biết đến các tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD so với 58,90% NTD nói họ biết đến cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD. Đồng thời, cũng có 48,7% trên tổng số người được khảo sát trả lời rằng, cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD là Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh và UBND cấp tỉnh (Sở Công thương); 20% nói đó là Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) và Sở Y tế; 17% cho rằng là của Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng Cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng) và các Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng ở tỉnh.

Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy tình trạng thực phẩm, nước giải khát không an toàn, mất vệ sinh, chất lượng không bảo đảm đã chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phản ánh của NTD liên quan đến những hành vi xâm phạm quyền lợi NTD, gây bức xúc trong xã hội.

Qua cuộc khảo sát, NTD đề xuất một số kiến nghị:

Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật BVQLNTD đến tận địa phương, tận nông thôn, vùng sâu vùng xa thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm quản lý chất lượng sản phẩm…

Thông tin công khai các vụ vi phạm quyền lợi NTD và doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện truyền thông.

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD. Đồng thời, tăng cường việc xã hội hóa công tác về BVQLNTD.

Anh Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bao-chi-la-kenh-thong-tin-huu-hieu-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-d50310.html