Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2023 với nhiều nét nổi bật

Sáng 16/5, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức lễ công bố 'Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023'.

Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Tại sự kiện, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước tác động cả từ nội tại lẫn bên ngoài. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động kinh tế thị trường. Các động lực chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn.

“Do đó, kết quả xuất nhập khẩu năm 2023 đã thể hiện sự quyết liệt, linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo của Chính phủ, địa phương để hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu,” ông Trần Thanh Hải phát biểu tại sự kiện do Báo Công Thương phối hợp tổ chức.

Chia sẻ bên lề với nhóm phóng viên, ông Trần Thanh Hải cho biết, điểm nhấn trong báo cáo năm nay là các thông tin về thị trường, mặt hàng, các biện pháp quản lý Nhà nước liên quan đến xuất nhập khẩu, thông tin liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, cơ quan thương vụ.

Với báo cáo này, đây sẽ là nguồn thông tin hữu ích để doanh nghiệp theo dõi, hoạch định kinh doanh, phát triển thị trường trong tương lai, nắm được những rào cản, kinh nghiệm chia sẻ để vượt qua khó khăn, đồng thời dự báo tình hình thị trường, theo ông Hải.

4 điểm tích cực lớn trong xuất nhập khẩu năm 2023

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chung dù giảm so với năm 2022 nhưng đã ghi nhận phục hồi dần vào nửa cuối năm. Theo đó, hết quý 1/2023, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Đến quý 3 mức giảm còn -8,5% YoY. Điều này góp phần kéo tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 giảm 4,6% YoY, đạt 354,7 tỷ USD.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự phục hồi khá. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu chung gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 95,5 tỷ USD (giảm 0,3% YoY), thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), đạt 259,1 tỷ USD (giảm 6,1% YoY).

Xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản tăng so với năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng ghi nhận kim ngạch tăng cao như rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% YoY; gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3% YoY; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,1% YoY.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục có sự dịch chuyển tích cực theo hướng đa dạng hóa và sang các thị trường mới, tiềm năng như Australia, các thị trường khu vực châu Âu. Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như gạo thơm (ĐT8, OM 18, 5451), ST, nếp, gạo trắng cao cấp 5%...

Năm 2023, thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa, điều tiết hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Trong đó, xuất khẩu sang các nước châu Phi đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 4,5% YoY; sang Arab Saudi đạt 1,1 tỷ USD, tăng 57,5% YoY; sang UAE đạt 4 tỷ USD, tăng 4,3% YoY.

Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc được điều hành, khai thông hiệu quả, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, nhờ việc mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng dịch Covid-19, xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận tăng 5,1%YoY, đạt 49,6 tỷ USD.

Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu trong năm 2023 cũng được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh những điểm tích cực, kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng cho thấy các điểm hạn chế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,3% YoY, sang EU giảm 6,6% YoY, sang Nhật Bản giảm 3,8% YoY, sang Hàn Quốc giảm 3,3% YoY, sang ASEAN giảm 4,5% YoY.

Mặc dù xuất siêu giúp hỗ trợ chính sách tiền tệ, nâng cao dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu gia tăng do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu, cho thấy những khó khăn trong tình hình đơn hàng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhu cầu yếu, đơn hàng giảm làm nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-cao-xuat-nhap-khau-nam-2023-voi-nhieu-net-noi-bat-post34666.html