Báo cáo tài chính Nhà nước có thể thiếu nhiều chỉ tiêu

Lần đầu tiên toàn bộ tình hình tài sản và hoạt động tài chính Nhà nước sẽ được công bố như báo cáo của doanh nghiệp, song nhiều thông tin vẫn chưa thể được hé lộ khi văn bản này bắt đầu được công bố năm 2018.

Thực trạng nêu trên được chia sẻ tại hội thảo xung quanh Dự thảo Nghị định về Báo cáo tài chính Nhà nước do Kho bạc Nhà nước tổ chức gần đây. Các số liệu trong ngành giao thông là một trong những ví dụ điển hình của việc khó thu thập.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải chia sẻ, nhiều chỉ tiêu trong báo cáo tình hình tài chính Nhà nước được yêu cầu báo cáo có thể sẽ chưa thu thập ngay trong năm đầu tiên áp dụng. Đơn cử như với cơ sở hạ tầng, hiện Bộ Giao thông mới thu thập được nguyên giá tài sản đối với đường sắt, trong khi đường thủy nội địa và hạ tầng đường bộ chưa thể thống kê.

Bộ cũng kiến nghị nếu bắt buộc áp dụng công bố từ năm 2018 thì cần loại bớt một số chỉ tiêu do không thống kê, thu thập được. Còn nếu bắt buộc phải có trong báo cáo tài chính Nhà nước thì cần xây dựng lộ trình cụ thể.

Theo dự thảo mới được công bố, báo cáo tài chính Nhà nước sẽ phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản nhà nước, nợ và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Qua đó đánh giá hiệu quả chi tiêu công và hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về kinh tế, tài chính, ngân sách.

Dự kiến, Kho bạc Nhà nước sẽ lập báo báo cáo toàn quốc, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ chậm nhất là 14 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Sau đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính. Bộ Tài chính sau đó sẽ công khai số liệu chậm nhất 30 ngày sau khi được Quốc hội thông qua.

Như vậy, báo cáo tài chính Nhà nước được áp dụng cho năm tài chính đầu tiên 2018, sẽ được công bố chậm nhất vào cuối năm 2020.

Bộ GTVT mới chỉ thu thập được nguyên giá tài sản đối với đường sắt, trong khi đường thủy nội địa, hạ tầng đường bộ hiện chưa thống kê được. Ảnh: Ngọc Thành

Danh mục các báo cáo được công bố về cơ bản sẽ tương đồng với báo cáo tài chính đang được các doanh nghiệp áp dụng, bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính Nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính Nhà nước. Báo cáo này cũng sẽ bao gồm thông tin về tài sản và công nợ của Nhà nước.

Báo cáo kết quả kinh doanh đang được đề xuất trình bày theo hai phương án. Trong đó một phương án sẽ chia các khoản chi ngân sách theo 13 nhóm mục đích sử dụng. Phương án còn lại sẽ phân bổ chi theo 5 yếu tố: con người, hàng hóa dịch vụ, hỗ trợ bổ sung, lãi vay phí và lệ phí và chi phí khác.

Theo phương án thứ nhất, chi phí quốc phòng, an ninh và trật tự - an toàn xã hội sẽ được công bố chi tiết. Theo đại diện Kho bạc Nhà nước, việc công bố chi phí quốc phòng mặc dù được nhiều quốc gia áp dụng nhưng cũng có những giới hạn nhất định.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự kiến sẽ được thực hiện theo phương pháp gián tiếp, nhưng hiện có nhiều ý kiến đề xuất tạm thời chưa công bố do sẽ khó có đủ dữ liệu để lập cũng như chưa thực sự cần thiết.

Trong khi đó, thuyết minh báo cáo tài chính được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình tài chính Nhà nước, kết quả hoạt động tài chính và tình hình lưu chuyển tiền tệ trong kỳ báo cáo.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/bao-cao-tai-chinh-nha-nuoc-co-the-thieu-nhieu-chi-tieu-86433/