Báo Ấn Độ: Hợp tác quân sự Việt - Ấn đang khởi sắc

BizLIVE - Mối quan tâm chính của Ấn Độ đối với Việt Nam tập trung trong lĩnh vực quốc phòng, báo New Indian Express khẳng định.

Ảnh minh họa.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đến Việt Nam trong tuần này, nhằm tái khẳng định quan hệ song phương cũng như sự ủng hộ Ấn Độ dành cho Việt Nam trên trường quốc tế, báo New Indian Express của Ấn Độ đã đăng tải bài báo “Emerging Hanoi-Delhi Axis” (“Mối quan hệ Hà Nội - Delhi đang khởi sắc”), khẳng định Chính phủ Ấn Độ có thể nhân cơ hội này để thắt chặt tình hữu hảo giữa hai nước từ các thành tựu trong những năm gần đây.

Trong năm ngoái, Ấn Độ đã “mạnh tay” cung cấp cho Việt Nam một khoản vay trị giá 100 triệu USD để mua sắm các thiết bị quốc phòng, bao gồm cả kế hoạch Ấn Độ hỗ trợ huấn luyện và hiện đại hóa lực lượng an ninh và quân đội Việt Nam.

Những chính sách ưu đãi đặc quyền như trên thường được Ấn Độ dành riêng cho các nước láng giềng lân cận, đây là lần đầu tiên chính quyền Ấn Độ hỗ trợ cho vay quốc phòng đối với một quốc gia cách xa về mặt địa lý, tờ báo lưu ý.

Điều này cho thấy chính quyền Delhi và Hà Nội đang nỗ lực hướng tới mối quan hệ đối tác đột phá trong những năm vừa qua.

Cần lưu ý rằng Ấn Độ đã tiếp cận khu vực giàu trữ lượng ở Biển Đông thông qua Việt Nam.

Tháng 10/2011, Ấn Độ đã ký biên bản thỏa thuận với Việt Nam để mở rộng khai khác dầu tại khu vực Biển Đông, sau đó tái khẳng định quyết định triển khai dự án, bất chấp việc Trung Quốc gây khó dễ cho sự hiện diện hợp pháp của Ấn Độ.

Bắc Kinh từng yêu cầu New Delhi phải xin phép Trung Quốc nếu muốn để công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ khai thác năng lượng tại hai lô này của Việt Nam trên Biển Đông.

Việt Nam đã khẳng định quyền chủ quyền không bàn cãi đối với hai lô trên. Ấn Độ ngay lập tức ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Hà Nội.

Trong nhiều năm, chính quyền Hà Nội đã thể hiện sự quyết liệt trước Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, tờ báo ghi nhận.

Khi chấp nhận lời mời khai thác dầu khí tại lô 127 va 128 thuộc chủ quyền của Việt Nam, công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd không chỉ thể hiện nguyện vọng của New Delhi trong việc thắt chặt tình hữu hảo với Việt Nam. Động thái cứng rắn này càng làm mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam thêm khăng khít, đồng thời ngầm gửi một thông điệp tới các nước khác.

Tờ báo cũng cho rằng, Hà Nội đang có một vai trò chiến lược trong kế hoạch Đông tiến của New Delhi.

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: Nguyễn Khang

Từ trước tới nay, Việt Nam luôn đề cao Ấn Độ vì sự hỗ trợ trong quá khứ. Cả hai bên đều thấu hiểu rằng một mối quan hệ song phương bền vững xuất phát từ mối quan hệ kinh tế sâu sắc.

Năm 2003, hai nước đã ký một thỏa thuận hướng tới viễn cảnh xây dựng một Đông Nam Á thịnh vượng và ổn định. Hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện hồi tháng 10/2003, tiếp đó việc ký Hiệp định thương mại về hàng hóa (TIG) tháng 8/2009 đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế song phương cũng như đa phương.

Hai quốc gia đã kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) về dịch vụ vào năm 2012, dự kiến kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng chạm mốc 200 tỷ USD tính đến năm 2022.

Cả hai nước cần tăng cường nỗ lực để thúc đẩy sự hợp tác kinh tế hơn nữa, trong bối cảnh thương mại song phương vẫn đang ở dưới mức tiềm năng, dù cả Ấn Độ và Việt Nam đều là các quốc gia đang nổi lên.

Tuy nhiên, tờ báo khẳng định, mối quan tâm chính của Ấn Độ đối với Việt Nam tập trung trong lĩnh vực quốc phòng.

Do cả Việt Nam và Ấn Độ cùng sử dụng nền tảng quốc phòng của Nga và Xô Viết cũ, điều này tạo điều kiện giúp New Delhi dễ dàng chuyển giao công nghệ cho Hà Nội.

Nhiều cuộc đàm phán giữa hai nước đã diễn ra xoay quanh việc mua bán các vũ khí như tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, các thiết bị như vậy có thể giúp Việt Nam củng cố quyền lực trong khu vực.

Đồng thời, lực lượng vũ trang hai bên đã và đang hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm về chiến lược ở những khu vực đặc biệt như miền núi hoặc rừng rậm.

Trọng tâm trong lĩnh vực quốc phòng được Ấn Độ tập trung vẫn là hợp tác về hải quân.

Ngoài ra, hai quốc gia cũng đang có chung một người bạn tiềm năng là Mỹ. Ấn Độ đã xây dựng quan hệ bền vững với chính quyền Washington trong thập kỷ qua, trong khi Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ khi căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/bao-an-do-hop-tac-quan-su-viet-an-dang-khoi-sac-377430.html