Bánh chưng - hương vị tết cổ truyền

Quê tôi thuộc vùng đất Tổ Vua Hùng của rừng cọ đồi chè, nên cũng có những đặc thù riêng: gạo nếp gói lá dong hay lá chít nấu lên đều cho ra lò sản phẩm mang tên bánh chưng, bất kể là vuông hay tròn.

Dù thế nào chăng nữa, chất lượng cũng luôn tròn vành vạnh của những đồng bánh xinh xắn thơm ngon được làm rất công phu: lạt buộc phải lấy từ cây giang, cắt khúc chẻ mỏng, sau đó nối lại với nhau bằng mối nối mà chỉ có người trong nghề mới làm được; gạo nếp đãi sạch khô ráo; đỗ xanh kháp bỏ vỏ; lá dong còn tươi to bản; nồi nấu cũng phải thật to; ba ông táo phải vững chắc làm bằng đất tổ mối… và đỗ xanh sẽ thay thế món thịt lợn (heo) làm hèm (nhân) xa xỉ một thời.

Rồi khi nguyên liệu đầu vào đầy đủ, phần gói bánh mới thực sự quan trọng và cũng vui nhất, trẻ nhỏ vòng trong vòng ngoài hết đứng lại ngồi, khi chạy lăng xăng làm hỏng cái này cái kia bị quát mắng ì xèo, nhưng cũng được việc ra phết: sai vặt. Và để cho bánh chín đều thì lạt quấn vòng quanh sao cho độ chặt vừa đủ, gói xong để ra nong, nia hoặc chiếu, lăn đi lăn lại cho tròn đều, ngâm nước mươi phút.

Sau cùng, những đồng bánh được xếp vào nồi, nhưng kiềng ba chân rất khó tiếp củi, nên trọng trách này được đặt lên vai ba ông táo; củi phải là thứ cây săn chắc, thậm chí là còn tươi mới cho nhiều nhiệt; bếp núc lý tưởng nhất vẫn là ngoài sân, ngoài vườn một cách dã chiến; thời gian luộc bắt đầu tính từ lúc nước đã sôi; bánh chín cũng được vớt ra nong, nia hoặc chiếu chờ nguội.

Và để có được những đồng bánh chưng thơm phức hấp dẫn ấy, không thể không nhắc đến cái nồi nấu, thứ quý hiếm một thời cả làng chỉ một vài nhà có. Nhưng không sao, cứ nhà này xong đến nhà khác, dù xoay tua cũng không ai cảm thấy phiền toái hay rắc rối gì, bởi tình làng nghĩa xóm rất tốt đẹp, có chăng là nồi lớn thường không có vung đậy, song cũng chẳng ai quan tâm, mà thay vào đó là tàu chuối hay cái mẹt. Cuối cùng thành quả cũng đến là những đồng bánh thơm ngon bốc khói được vớt ra, mà việc quan trọng đầu tiên không thể thiếu: bánh được dâng lên bàn thờ cúng trời đất tổ tiên, theo phong tục tập quán ngàn đời nay của ông cha ta.

Với tôi, dù xa quê đã hơn bốn chục năm, nhưng hương vị tết quê nhà vẫn còn phảng phất trong tâm trí: ấm cúng, thân tình nhộn nhịp; ba mươi, mùng một tụ tập sum vầy chúc tụng các đấng sinh thành mạnh khỏe sống lâu, con cháu bình an công việc hanh thông, cùng với đó là thăm viếng bà con anh em họ hàng láng giềng bạn bè thân hữu gần xa… gặp gỡ trao đổi những câu chuyện đời thường thú vị. Phần bố mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh cặm cụi thức khuya dậy sớm, lo toan mọi việc, trong đó bố tôi rất khéo tay cẩn thận kỹ lưỡng, nên ông luôn đảm trách việc gói bánh của những năm xa xưa ấy.

Ngày nay, cuộc sống đã rất đầy đủ, văn minh hiện đại, cùng với đó là rất nhiều điều mới lạ hấp dẫn, nhưng tết cổ truyền, trong đó có bánh chưng vẫn giữ được vị trí đặc biệt trang trọng. Nên những gì tôi thể hiện trong bài viết, nhiều thứ vẫn còn được bảo tồn phát huy, nhưng có khi cũng chỉ còn lại trong ký ức, như nồi nấu hiện nay có nắp đàng hoàng; kiềng ba chân cũng khá vững chãi thay cho ông táo; thịt lợn cũng tha hồ làm hèm; nhà nào không nấu thì ra siêu thị… Nhưng có một việc thấy cũng cần thiết phải đưa vào bài viết, đó là hiện nay dùng cả dây nilon (nhựa) chứ không phải lạt giang, rất tiện lợi nhưng độc tố có thể tan ra ngấm vào bánh, không tốt cho sức khỏe.

LÊ VĂN CẢI

Quận Phú Nhuận, TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/banh-chung-huong-vi-tet-co-truyen-post725152.html