Bánh chưng bị mốc ăn được không?

Bánh chưng ngày Tết để lâu bị mốc lá, mốc một gốc có còn ăn được không? Cùng tìm hiểu nhé!

Bánh chưng bị mốc lá, mốc một góc có ăn được không?

Dịp Tết, các gia đình gói bánh số lượng nhiều và để trong thời gian dài, bánh sẽ dễ bị mốc ở phần góc cạnh, không lan rộng ra cả bánh. Bạn có thể cắt bỏ chỗ mốc và ăn các phần còn lại.

Lưu ý, nấm mốc xuất hiện ở một góc bánh, nhưng một số chủng nấm mốc có khả năng lên men làm bánh bị chua. Do đó, bạn cần cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, sau đó đem bánh hấp hoặc chiên cẩn thận trước khi ăn.

Trường hợp phần mốc lan ra quá nhiều, nên bỏ cả bánh, bởi khi đó vi khuẩn đã xâm nhập sâu bên trong, nếu ăn sẽ dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Nhiều trường hợp do tiếc mà người ta vẫn ăn bánh chưng bị chua, ôi thiu và có nấm mốc, chảy nhớt dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Cách bảo quản bánh chưng để hạn chế nấm mốc

Bảo quản bánh chưng bằng cách để nguyên lá gói và cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt lấy giấy nilon bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại và tiếp tục dùng. Bánh chưng để vào ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản 7-10 ngày.

Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn cũng có thể bảo quản bánh chưng trong ngăn đông. Thời gian bảo quản có thể lên đến 20 ngày. Khi cần dùng bạn chỉ cần rã đông bánh chưng ở nhiệt độ thường rồi mang đi hấp lại là có thể thưởng thức.

Kiên Trung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/banh-chung-bi-moc-an-duoc-khong-198263.html