Bánh bao dạo - theo chân người làm nghề

Dừng xe trên một đoạn đường Bạch Đằng, dọc sông Đông Ba, tôi nghe hai người phụ nữ nói chuyện mua - bán bánh bao. Người phụ nữ lam lũ nhưng còn khá trẻ với nụ cười tươi, chị nói khi tôi cũng mua vài cái về làm quà chiều cho con: 'Nghề ni đi ngoài đường cũng cực lắm chị, mưa nắng dãi dầu, chủ yếu lấy công làm lời mà nuôi con'.

 Một xe bánh bao dạo trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế

Một xe bánh bao dạo trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế

Xóm bánh bao nhà nghèo

Ở giữa đường Nguyễn Chí Thanh, phường Gia Hội là một xóm lao động nghèo có nghề làm bánh bao dạo đã mấy chục năm nay. Gọi bánh bao dạo là bởi họ làm bánh xong thì tự đẩy xe đi bán dạo khắp các ngả đường ở thành phố. Nghề làm bánh bao ở đây gần như hoàn toàn bằng thủ công từ tất cả các công đoạn: nhồi bột, làm nhân, bắt bánh, hấp bánh. Thi thoảng mới có một nhà dùng máy nhồi bột, nếu được đặt làm bánh với số lượng rất lớn.

Quy trình làm bánh bao thoạt nhìn cũng khá đơn giản. Nhưng bánh mỗi nhà làm lại có hương vị khác nhau. Hỏi vì sao thì ông Dương Văn Cư và mệ Hồ Thị Quyên - cặp vợ chồng có thâm niên làm nghề này lâu nhất ở đây cho biết, là do các nguyên liệu làm bánh của mỗi nhà mỗi khác. Rồi cách gia giảm gia vị, thời gian hấp bánh cũng khác. Hấp bằng lò củi hay bằng bếp gas cũng cho mùi vị khác nhau. Ông Cư cho hay, trước đây khi còn trẻ, không có vốn nên vợ chồng ông cũng như nhiều hàng xóm khác phải chờ bánh từ lò của Hoa kiều trên phố Chi Lăng đem tới, rồi sau đó mới tỏa đi bán dạo khắp nơi. Sau đó thì nhiều nhà học được nghề làm bánh, cùng nhau đi sắm sửa các đồ nghề và nguyên, vật liệu để tập làm. Mệ Quyền cũng cho biết thêm, bột ngon là phải hội đủ các điều kiện: mềm, dai, tơi xốp, thơm. Nhân có nhiều loại: tôm, thịt, trứng cút, dừa bào, đậu phụ, nấm mèo... Bánh hấp chín cắn vào miệng vừa có độ bùi bùi, thơm thơm của vỏ bánh, vừa có độ béo, mặn, ngọt, thơm nức vừa miệng của miếng thịt mỡ hoặc miếng chả quết, cùng nửa cái trứng cút vàng ươm. “Đủ nghề rồi mới trụ lại được ở nghề bánh bao ni đây o ơi”, ông Cư cười móm mém cho biết. Mỗi ngày vợ chồng ông Cư và mệ Quyên làm trung bình từ 300-500 cái bánh bao các loại. Ông mệ năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi, nuôi được 4-5 đứa con khôn lớn nhờ chiếc xe bánh bao dạo.

Cách đó vài mét, ở cuối xóm, mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa cũng là một hộ làm bánh bao lâu năm. Để chuẩn bị nguyên liệu, mỗi ngày chị Hoa đã phải dậy từ tờ mờ sáng để nhồi, ủ bột, rồi làm nhân, lúc hai đứa con dậy là đã xong xuôi các khâu trên để 3 mẹ cùng ngồi bắt bánh. Chồng mất đã 14 năm, làm và bán bánh bao dạo là nghề duy nhất mà chị có thể bấu víu để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Trừ đứa con trai lớn đã vào Nam mưu sinh, hai đứa em nhỏ sáng nào cũng dậy sớm phụ mẹ làm bánh xong thì mới đi học. Căn nhà nhỏ xíu ở cuối xóm vừa được cậu con trai đầu về sửa chữa cho mẹ và em, vừa được xây thêm một cái gác lửng để cả nhà tá túc vào mùa lụt. Tất cả trên dưới cũng chỉ khoảng 30m2.

Hành trình của những chuyến xe

Những chiếc xe nối nhau ra khỏi xóm thì mỗi người chia về mỗi ngả. Có chiếc quẹo phải hướng về cầu Chợ Dinh, băng qua sông Hương rẽ xuống các xóm ở Tây Thượng. Có chiếc đi về mạn Phú Hậu - Bao Vinh. Có chiếc rẽ trái rồi đi về Gia Hội, hoặc quẹo xuống Bạch Đằng, hoặc thẳng qua cầu Đông Ba vô Thành Nội. Có chiếc lại lầm lụi qua cầu Gia Hội, dọc phố Trần Hưng Đạo, băng qua cầu Trường Tiền tỏa về các tuyến phố phía nam.

Hôm đó tôi theo chiếc xe bánh bao dạo của chị Hoa từ phố Bạch Đằng qua cầu Gia Hội, dọc phố Trần Hưng Đạo một lát thì rẽ vào chợ Đông Ba. Dọc đường hình như các khách hàng quen thuộc đã đợi chị từ lâu. Họ nói cười khá thân thiện và mua bánh không mặc cả. Người Huế có thói quen hay ăn bữa lỡ, nên những gánh hàng rong dọc những tuyến phố này khá nhiều. Bánh bao dạo cũng là một món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng, vì nó dễ ăn mà lại rẻ. “Mỗi ngày, ba mẹ con gắng làm khoảng 200 cái, lời khoảng 200.000 thôi, cũng đủ trang trải hàng ngày, nhưng khi ốm đau hay có việc chi lớn thì phải vay mượn, rồi gom góp trả dần”. Chị Hoa cởi mở chia sẻ. Xe vừa quay bánh vào lối chợ Đông Ba đã nghe tiếng í ới của các o, các mệ. Tủ bánh đã vơi gần một nửa. Gương mặt lam lũ của người mẹ như giãn ra, bớt lo lắng vì mỗi lần không bán hết là cả nhà lại phải ăn bánh thay cơm tối.

Ở Huế, "đội quân” bán bánh bao dạo không chỉ có những người ở xóm bánh bao trên đường Nguyễn Chí Thanh, mà còn có rất nhiều người đến từ làng Chuồn hay còn gọi là An Truyền, xã Phú An, cách Huế chừng hơn 10km. Nhóm này có vẻ đông đảo hơn vì họ đi bán bằng xe máy. Với một chiếc tủ đựng bánh và nồi nước sôi chia làm hai bên gác sau lưng xe, một chiếc loa gắn ở trước ghi đông thu âm tiếng rao sẵn và mở suốt trên đường, họ có mặt ở khắp các ngõ ngách dân cư thành phố để bán bánh dạo. Theo thống kê của xã Phú An, hiện An Truyền có khoảng 50 lò bánh, và khoảng 100 người làm nghề bán bánh bao dạo tại thành phố Huế và các vùng lân cận. Nguyên liệu đơn giản, dễ mua, dễ làm. Đồng vốn bỏ ra cũng ít. Đây đang là nghề ăn nên làm ra của một bộ phận người dân làng Chuồn.

Nhưng người Huế vẫn thân thuộc hơn với những chiếc xe dạo đẩy bộ giữa phố phường, với hình ảnh những người dân lao động lam lũ, nhẫn nại đẩy xe đi qua hai mùa mưa nắng. Tiếng rao không loa của họ đôi khi cũng lọt thỏm giữa xe cộ, phố xá. Hình ảnh ấy, cùng mùi thơm của những chiếc bánh bao xinh xinh nóng hổi và thơm phức, có lẽ đã trở thành những kỷ niệm khó quên của biết bao người dân lớn lên và từng sinh sống ở thành phố này.

Bài, ảnh: Nguyên Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/banh-bao-dao-theo-chan-nguoi-lam-nghe-140862.html