Banglades đóng cửa 100 xưởng may vì xung đột bạo lực

BizLIVE - Cảnh sát Bangladesh hôm thứ hai, 11/11 đã phải dùng tới vòng rồng và đạn cao su để trấn áp một đoàn biểu tình của những công nhân may mặc đòi tăng lương, và điều này khiến 100 phân xưởng may đã buộc phải đóng cửa.

Công nhân may Bangladesh liên tục bãi công và biểu tình vì lương thấp và điều kiện làm việc không an toàn

Nhà chức trách Bangladesh trong tuần trước đã đề xuất tăng 77% tiền lương tối thiểu cho công nhân may của nước này sau một loạt vụ tai nạn chết người diễn ra tại các nhà máy may trong năm nay, hãng tin Reuters cho biết.

Còn theo hãng tin Mỹ AP, công nhân may ở Bangladesh đã không đồng ý với mức tăng 5.300 takas (66,25%, tương đương với 77%) mà chính phủ nước này đề xuất mà đề nghị tăng lên 8114 takas (tức là khoảng 100 USD) thay vì mức 3.000 takas, tức 38 USD mà họ nhận được hiện nay.

Những điều này đã khiến dư luận quốc tế chú ý tới tình trạng đồng lương rẻ mạt và điều kiện làm việc nghèo nàn đối với công nhân may ở Bangladesh.

Mức lương tối thiểu hàng tháng đối với công nhân may Bangladesh chỉ vào khoảng 38 USD/tháng, chỉ bằng một nửa so với mức lương tối thiểu ở Campuchia và Việt Nam, những nước đối thủ cạnh tranh với Bangladesh trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may và chỉ bằng ¼ lương tối thiểu ở Trung Quốc, cường quốc hàng đầu về dệt may của thế giới.

Tuy nhiên, chủ các công ty may nói họ không có đủ khả năng để trả lương cho công nhân nếu mức lương tối thiểu tăng lên 77%.

Cảnh sát cuối cùng đã phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông đang ném đá trong vành đai công nghiệp Ashulia thuộc vùng ngoại ô của thủ đô Dhaka, nơi có các nhà máy đóng góp tới 20% sản lượng may xuất khẩu của Bangladesh.

“Những ông chủ không hề quan tâm tới chúng tôi. Họ không tăng lương khi các quan chức yêu cầu”, một người biểu tình nói và cho biết thêm những người công nhân không có cách gì khác để đấu tranh ngoài việc xuống đường.

Ít nhất 19 người đã chết và hàng trăm người bị thương trong một cuộc biểu tình diễn ra từ hôm 26/10 đến nay.

Vào tháng 9 vừa qua, công nhân may toàn quốc đã tiến hành cuộc đình công kéo dài 6 ngày, ảnh hưởng tới 20% mức sản xuất của 3.200 nhà máy may của nước này. Cuộc đình công đã kế tiếp các cuộc đình công vào mùa hè trước đó, nhưng chưa có tác dụng đối với giới chủ.

Cuộc biểu tình lần này trùng với đợt bãi công kéo dài 4 ngày do đảng đối lập ở Bangladesh kêu gọi nhằm đòi cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm tới phải được đặt dưới sự giám sát của một chính phủ phi đảng phái.

Bế tắc giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập về cách thức tổ chức tổng tuyển cử là mối đe dọa mới cho ngành công nghiệp may Bangladesh, vốn mang lại hằng năm 22 tỉ USD cho đất nước này.

Đây cũng là ngành công nghiệp huyết mạch của đất nước nghèo khó Bangladesh với 160 triệu dân, sử dụng tới 4 triệu công nhân may trong đó phần lớn là phụ nữ.

Ngành may Bangladesh, chủ yếu thực hiện gia công cho các nhãn hiệu của Phương Tây đã được cộng đồng quốc tế chú ý sau hàng loạt vụ tai nạn chết người, trong đó thương tâm nhất là vụ đổ nhà máy may vào tháng tư vừa qua, khiến 1.300 công nhân bị thiệt mạng.

Tiền lương thấp cùng với các giao dịch ngày càng tăng trong lĩnh vực may mặc với Phương Tây đã khiến Bangladesh nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với 60% quần áo sản xuất được xuất sang Châu Âu và 23% xuất sang Hoa Kỳ.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/banglades-dong-cua-100-xuong-may-vi-xung-dot-bao-luc-9161.html