Bằng Giang - Sông thiêng và chiến tướng

Cao Bằng địa đầu Tổ quốc là địa chỉ đỏ trong trái tim mọi người Việt muốn tìm về. Điều ấy càng là niềm mơ ước đối với người phương Nam xa xôi được một lần đặt chân nhìn vùng non nước biên cương. Sông Bằng Giang mạch nguồn đất thiêng đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều nhân tài, trong đó có những chiến tướng lẫy lừng, mà Bằng Giang là một trong những gương mặt tiêu biểu…

Chuyện về Bằng Giang chiến tướng

Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc nước ta, có đường biên giới hơn 300km giáp với khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc. Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, vùng biên cương Cao Bằng luôn là chiến địa ác liệt bi hùng. Khi học văn học dân gian Việt Nam có bài ca dao mà tôi ám ảnh cứ mãi ngâm ngợi:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Hình ảnh người vợ xưa được ví như con cò lặn lội gánh gạo ra bờ sông tiễn chồng lên biên ải phục dịch, chinh chiến thật nao lòng. Nhưng vì sao là “nước non Cao Bằng”? Ngoài hình ảnh mang tính biểu tượng sông núi thì về sau đọc sách tôi mới biết Cao Bằng còn là cứ địa của triều đình nhà Mạc, vương quốc riêng một góc trời thời phong kiến đối nghịch triều Lê - Trịnh. Vùng địa đầu phía Bắc Tổ quốc còn được thiên nhiên ban tặng các thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ núi Thang Hen cùng nhiều di tích gắn liền với những nhân vật lịch sử xưa nay. Những điều ấy nuôi dưỡng trong tôi ước muốn lên “nước non Cao Bằng” thăm thú, khám phá.

Chỉ riêng nửa đầu thế kỷ XX, tại vùng đất thiêng Cao Bằng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là nơi đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân trở về Tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam do danh tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy, về sau lớn mạnh xuất hiện nhiều tướng lĩnh người dân tộc thiểu số chính quê Cao Bằng dạn dày trận mạc và chiến công như Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Vũ Lập, Bằng Giang, Nam Long, Đàm Quang Trung, Đàm Văn Ngụy, Bế Xuân Trường…

Trong số những chiến tướng sinh trưởng vùng biên cương, Bằng Giang là người từng giữ các trọng trách như Khu trưởng Khu 10, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi không được gặp Trung tướng Bằng Giang, nhưng qua câu chuyện với Trung tướng Vũ Nam Long, một người bạn chiến đấu đồng hương thân thiết của ông và nhiều tướng lĩnh khác, tôi được biết hành trình binh nghiệp đáng tự hào của chiến tướng được mệnh danh “Ma xó” Tây Bắc, một con người trung thực, thẳng thắn, cởi mở, có uy tín lớn, luôn được đồng đội tin yêu.

Bằng Giang tên thật là Nguyễn Văn Cơ sinh năm 1915, người dân tộc Tày, quê ở bản Thắc Tháy, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia làm liên lạc cho cách mạng từ năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản, lấy bí danh Nguyễn Bằng Giang, thường được gọi tắt là Bằng Giang. Ông là người phụ trách dẫn đường đoàn từ phía Việt Nam đi đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại cột mốc 108, nay là cột mốc 675 biên giới Việt - Trung ngày 28/1/1941. Ông cũng hay ra vào hang Pác Bó ở Hà Quảng, Cao Bằng để làm liên lạc, mang thực phẩm săn bắt được cho Ông Ké.

Bằng tài năng và hiểu biết về quê hương mình, Bằng Giang nhanh chóng trở thành cán bộ chủ chốt được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng phụ trách công tác binh vận, Tỉnh ủy viên phụ trách công tác quân sự tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1944, Bằng Giang chính thức gia nhập quân đội, với tài năng chỉ huy quân sự, dũng cảm, mưu lược và đặc biệt là am hiểu sâu sắc đất và người Tây Bắc, ông đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều chiến dịch lớn được mở trên địa bàn trọng yếu này, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trên cương vị Khu trưởng Khu 10.

Chuyện rằng, khi quân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh Chiến dịch Trần Đình, có lúc gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần, nhất là việc tiếp tế lương thực từ đồng bằng. Để kịp thời cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, cần phải huy động gấp lương thực tại chỗ. Chưa có chỉ thị của cấp trên nhưng Khu trưởng Bằng Giang đã nhanh chóng hành động, đích thân cưỡi ngựa dẫn theo hai cận vệ đến “vựa lúa” Tây Bắc tại ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung để vận động đồng bào “cho Chính phủ Cụ Hồ vay để đánh Pháp”. Được nhân dân ủng hộ, ông đã thu về ngay gần 7 tấn thóc nhập kho Tổng cục Cung cấp.

Theo lời của Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Chúng tôi không biết cụ thể bằng cách nào mà sau khi nhận được số thóc ấy của nhân dân, anh Bằng Giang đã huy động lực lượng vận chuyển bằng cả đường bộ và đường sông tại Sở Chỉ huy chiến dịch. Nghe báo cáo về số thóc mới nhận, ban đầu anh Văn tưởng là chiến lợi phẩm. Khi biết là do anh Bằng Giang huy động được, anh liền nói với chúng tôi: Có những người như Bằng Giang, Trần Đình nhất định thắng!”. Anh Văn, tức Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Qua nhận xét của ông chứng tỏ người đứng đầu quân đội rất tin tưởng Khu trưởng Bằng Giang, một chỉ huy chiến trường có tầm nhìn, nhanh nhạy, đảm lược và khả năng vận động thuyết phục cũng như am hiểu núi sông, con người, văn hóa Tây Bắc.

Sông Bằng Giang và núi thiêng Phja Oắc

Vì sao vị Tướng tương lai Nguyễn Văn Cơ lấy bí danh Bằng Giang? Trung tướng Nam Long cho biết, sinh thời trò chuyện với đồng đội Trung tướng Bằng Giang hay thổ lộ rằng, khi tham gia cách mạng vì luôn nhớ về dòng sông quê hương nhiều kỷ niệm nên ông đã chọn bí danh Bằng Giang để hoạt động. Đây là tên một con sông miền biên cương “non nước Cao Bằng” không chỉ gắn liền tuổi thơ của Tướng Bằng Giang mà còn với cả Tướng Nam Long và nhiều Tướng lĩnh khác.

Trung tướng Bằng Giang và gia đình. Ảnh TL

Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa là người Hà Nội nhưng rất gắn bó với vùng biên ải. Tuổi thơ anh lặn ngụp ở sông Bằng Giang khi có cha là sĩ quan cấp cao được đặc phái làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thời Chiến tranh Biên giới phía Bắc. Được sự hướng dẫn của họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa, chúng tôi lần đầu đi thuyền ngược sông thăm thú.

Bằng Giang hay được gọi sông Bằng bắt nguồn từ rừng núi tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Sông Bằng đổ theo hướng Tây Bắc đến thành phố Cao Bằng thì gặp sông Hiến chảy về theo hướng Tây Nam tạo thành ngã ba sông Nước Giáp thơ mộng. Nước Giáp cũng trở thành địa danh một khu phố giống như tên Sông Bằng, Sông Hiến được đặt cho những phường của thành phố này. Đặc biệt, sông Bằng cùng phụ lưu là sông Hiến ôm lấy thành phố Cao Bằng với núi đá muôn trùng bao bọc xung quanh tạo thành bức tranh sơn thủy tự nhiên với phố thị hiện đại hết sức độc đáo, như nhà thơ Hoàng Đức Triều người dân tộc Tày từng viết: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von”.

Một trong những nguồn nước quan trọng của sông Bằng xuất phát từ vùng núi Phja Oắc ở phía Tây thuộc huyện Nguyên Bình, nơi có ngọn núi với độ cao 1.921m, được xem là nóc nhà và “viên ngọc quý” của tỉnh Cao Bằng.

Trong dân gian, nhiều câu chuyện ly kỳ mang màu sắc tâm linh được truyền tụng về núi Phja Oắc có sức hấp dẫn lạ thường. Và đây cũng là nơi các nhà cách mạng tiền bối chọn làm căn cứ địa bí mật để mưu chuyện đại sự, trong đó có việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do danh tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, bệ phóng quan trọng cho những người con của Cao Bằng mà tiêu biểu là chiến tướng Bằng Giang cùng quân dân vùng biên cương đứng lên góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/bang-giang-song-thieng-va-chien-tuong-i687089/