Bàn về việc ngừng bắn tại Dải Gaza

Tờ Washington Post đã dẫn một loạt quan điểm của các chuyên gia, cựu quan chức, nhà hoạt động của Mỹ, Israel và Palestine bàn về việc ngừng bắn tại Dải Gaza.

Số người thiệt mạng vì các cuộc tấn công của Israel vào Gaza hiện lên tới hơn 9.000 người. Chính phủ và quân đội Israel vẫn tập trung vào mục tiêu loại bỏ mối đe dọa do Hamas gây ra sau cuộc tấn công ngày 7.10 ở miền Nam Israel khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Nhưng trên khắp thế giới đang có những dấu hiệu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng về cái giá mà người dân Palestine phải gánh chịu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kiên quyết bác bỏ lệnh ngừng bắn và nói rằng “đây là thời điểm chiến tranh” trong khi đó, các tổ chức nhân đạo quốc tế đang kêu gọi sự chú ý đến quy mô thiệt hại của dân thường.

Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc (LHQ) nói với Hội đồng Bảo an rằng “một lệnh ngừng bắn nhân đạo cần đưa ra ngay lập tức để giúp cứu vớt số phận của hàng triệu người”. Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1.11 - cũng kêu gọi "tạm dừng" vì nhân đạo.

Một bức ảnh chụp từ Sderot ở miền Nam Israel cho thấy khói bốc lên trong cuộc oanh tạc Dải Gaza hôm 31.10 - Ảnh: AFP

Tạm dừng nhân đạo chứ không ngừng bắn

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Israel Yossi Beilin cho biết thường dân Palestine ở miền Nam Gaza đang phải chịu đau khổ, và Israel nên đồng ý tạm dừng vì nhân đạo trong thời gian rất ngắn - nhưng không phải đình chiến.

“Tôi ghét bản thân mình vì đã nói ra điều này. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã cố gắng tìm ra điểm chung giữa người Israel và người Palestine, nhưng cuộc chiến này phải kết thúc bằng việc lật đổ Hamas khỏi quyền kiểm soát Dải Gaza. Một lệnh ngừng bắn kéo dài có thể giúp phong trào giống Nhà nước Hồi giáo này tiếp tục nắm quyền. Hamas chưa bao giờ đồng ý với nguyên tắc giải pháp hai nhà nước, chưa bao giờ công nhận Israel và chưa bao giờ chấp nhận Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993. Hamas đã giành quyền kiểm soát Gaza từ tay Chính quyền Palestine bằng vũ lực vào năm 2007”, ông Beilin nói.

Theo ông Beilin, việc Hamas làm thiệt mạng ít nhất 1.400 người Israel vô tội bao gồm đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, cả gia đình là điều không thể chấp nhận được. Hamas sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn cản bất kỳ kế hoạch hòa bình nào dựa trên giải pháp hai nhà nước.

“Nên thay đổi lãnh đạo Hamas ở Gaza, tốt nhất là thay bởi Tổ chức Giải phóng Palestine. Nếu điều đó không thực hiện được thì một cơ quan quản trị Ả Rập có thể đảm nhận vị trí này trong thời gian 1 hoặc 2 năm. Một khi ban lãnh đạo Hamas được thay thế, chỉ còn chính quyền Palestine đại diện cho người dân Palestine. Khi đó, chính phủ Israel nên tận dụng cơ hội để đàm phán một hiệp ước hòa bình lâu dài.

Sẽ không mất nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận lâu dài - lý tưởng nhất là một liên minh giữa hai quốc gia có chủ quyền và độc lập. Tuy nhiên, nếu Israel dừng chiến và để Hamas tiếp tục nắm quyền thì sẽ rất khó nghĩ đến việc đạt được một giải pháp hòa bình trong tương lai gần”, cựu Bộ trưởng Tư pháp Israel cho hay.

Lệnh ngừng bắn sẽ là chiến thắng cho Hamas

Yakov Katz, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Nhân dân Do Thái, nguyên Tổng biên tập của tờ Jerusalem Post khẳng định một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza của Israel sẽ là một chiến thắng cho Hamas.

“Để đảm bảo rằng Hamas không còn có thể tấn công Israel, điều này đòi hỏi không chỉ việc phá hủy các khả năng quân sự của Hamas mà còn phải loại bỏ Hamas khỏi vị trí cai trị trên Dải Gaza. Sẽ là một sai lầm thảm khốc nếu Israel đồng ý ngừng bắn, đặc biệt khi các nhà lãnh đạo Hamas đã công khai tuyên bố rằng họ dự định tiếp tục tấn công nhà nước Do Thái cho đến khi nhà nước này bị tiêu diệt”, chuyên gia này cho biết.

Theo ông Katz, đề xuất ngừng bắn duy nhất mà Israel nên xem xét nghiêm túc có thể bao gồm việc thả tất cả con tin để đổi lấy việc ngừng tấn công. Đó sẽ là một lời đề nghị mà chính phủ Israel sẽ khó có thể từ chối. Cần có một nỗ lực quốc tế nhằm tạo ra một ban lãnh đạo mới ở Gaza và ngăn cản Hamas xây dựng lại năng lực của mình. Chỉ khi đó Israel mới được an toàn.

Phải ngừng bắn ngay lập tức

Nhà hoạt động Palestine Ahmed Alnaouq - người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận We Are Not Numbers chia sẻ: “Tuần trước, Israel đã ném bom vào ngôi nhà của gia đình tôi ở Gaza khiến cha tôi, 2 anh trai, 3 chị gái và tất cả con cái của họ thiệt mạng. Hãy ngừng bắn ngay lập tức. Chúng tôi yêu cầu dỡ bỏ cuộc bao vây của Israel ở Gaza và khôi phục điện, nhiên liệu, nước và thực phẩm. Chúng tôi cũng yêu cầu quyền tiếp cận nhân đạo phù hợp với luật pháp quốc tế không bị cản trở”.

Alnaouq cho biết người dân ở Gaza trong 17 năm qua đã đối mặt với cảnh thất nghiệp và nghèo đói triền miên. Họ bị giam giữ như những tù nhân. Một triệu trẻ em của tại đây chưa bao giờ có cơ hội đi ra ngoài khu vực quân sự của Israel và không biết gì ngoài tiếng ồn ào của máy bay không người lái trên bầu trời theo dõi từng cử động của chúng.

“Trong tuần qua, tôi đã mất tất cả. Nhưng tôi không tìm cách trả thù. Không có giải pháp quân sự nào ở đây, chỉ có trách nhiệm tập thể để cuối cùng trao cho người Palestine những gì họ đã yêu cầu trong nhiều thập kỷ, những gì Israel đang nợ họ: công lý, tự do và những quyền cơ bản”, Alnaouq nhấn mạnh.

Laila El-Haddad, một nhà hoạt động xã hội, phân tích chính sách và nhà báo người Palestine nhấn mạnh: “Cứ một tích tắc trôi qua, sẽ có thêm trẻ em Palestine thiệt mạng. Đây không phải là cường điệu. Đó là sự thật và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể ngăn chặn điều đó”.

“Trẻ em chiếm hơn 40% trong số 9.000 người Palestine thiệt mạng vì bom của Israel kể từ ngày 7.10. Tuần này, người Israel đã làm thiệt mạng thêm hàng trăm người bằng cách tiến hành một loạt cuộc tấn công vào trại tị nạn Jabalya. Không có bất kỳ lời biện minh nào cho việc ném bom bệnh viện, trường học, cơ sở của Liên Hợp Quốc, nhà thờ Hồi giáo, hoặc san bằng toàn bộ khu dân cư, hoặc cắt lương thực, nước và điện cho dân thường đã bị tổn thương bởi 55 năm chiếm đóng quân sự bạo lực, 16 năm ngột ngạt và bao vây bất hợp pháp, cũng như các cuộc bắn phá trước đó…

Tuyên bố ngừng bắn là một mệnh lệnh chiến lược, chính trị và đạo đức mang lại cơ hội chính cho chúng ta ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực và hơn thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc ngừng bắn có thể ngăn chặn thương vong cho dân thường. Không nên lãng phí thời gian nữa”, bà Laila nhấn mạnh.

Israel có thể ngừng bắn?

“Ngừng bắn có vẻ là điều đáng mong muốn, nếu chỉ để ngăn chặn việc giết chóc. Nhưng trong các cuộc chiến tranh sinh tồn như cuộc chiến mà Israel đang tham gia, chúng chỉ là một lựa chọn quan trọng khi tính đến lợi ích quốc gia và sự sống còn của nhà nước. Ngừng bắn thường xảy ra khi các bên tham chiến đồng thời quyết định rằng việc chấm dứt chiến tranh mang lại nhiều lợi ích. Israel cho rằng Hamas tìm kiếm một lệnh ngừng bắn để duy trì khả năng chiến đấu, củng cố lực lượng và coi việc tiêu diệt Hamas vừa khả thi vừa cần thiết cho an ninh của mình”, Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ James Jeffrey nhận định.

Theo Jeffrey, Jerusalem không thờ ơ với những lo ngại về các nạn nhân Palestine. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng việc từ bỏ cuộc chiến trước khi Hamas bị tiêu diệt sẽ có thể tạo điều kiện cho các vụ tấn công tương tự ngày 7.10 hoặc thậm chí tồi tệ hơn.

“Mỹ là quốc gia bên ngoài duy nhất có thể kiềm chế Israel. Chính quyền Biden cho đến nay vẫn bác bỏ chủ trương ngừng bắn, nhưng họ đang dao động. Washington không có lợi ích trong cuộc chiến này và một lệnh ngừng bắn sẽ làm giảm bớt nhiều lo ngại về số phận của các con tin”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho hay.

Thế khó của Israel

Lawrence Freedman là giáo sư về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London (Anh) cho biết, Thủ tướng Netanyahu không thể ra lệnh ngừng bắn cho đến khi Israel đạt được mục tiêu quân sự là tiêu diệt Hamas.

“Điều này không đơn giản. Rất khó để Israel có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas khỏi Dải Gaza và duy trì sự kiểm soát của mình. Hamas đã đủ gắn kết với xã hội Palestine để có thể "tái sinh" theo thời gian...", Freedman nói.

Giáo sư Freedman cho biết các nước Ả Rập và phương Tây hiện đang tích cực thảo luận không chỉ về việc xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo mà còn kiềm chế chiến tranh bằng cách đảm bảo rằng Iran và lực lượng Hezbollah (có trụ sở tại Lebanon) không can dự. Họ cũng đang nỗ lực tìm kiếm một mô hình về cách quản lý Gaza sau chiến tranh - một mô hình không bao gồm Hamas.

“Cần lưu ý rằng, ngay cả khi Hamas cố gắng sống sót và nắm quyền, nỗ lực tái thiết sẽ vượt quá khả năng hoặc nguồn lực của tổ chức này. Do vụ tấn công ngày 7.10, Hamas có nguy cơ bị chối tiếp cận các nguồn ngân sách hoạt động. Khoản tiền này sẽ được giao cho các cơ quan và tổ chức từ thiện quốc tế để phân bổ cho việc tái thiết lại Dải Gaza”, Freedman nói.

Matthew Duss, Phó chủ tịch điều hành tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (CFIP), nhấn mạnh dù chính phủ Israel có cả quyền và trách nhiệm bảo vệ người dân của mình nhưng họ không có quyền thực hiện các vụ tấn công gây thiệt hại cho dân thường Palestine tại Dải Gaza - điều mà thế giới đang chứng kiến.

“Áp lực đang gia tăng để ngăn chặn thảm họa này. Một số người đã kêu gọi ngừng bắn, những người khác kêu gọi đình chiến, hay ‘tạm dừng nhân đạo’. Dù có dùng thuật ngữ nào đi nữa, việc tạm dừng xung đột hiện nay là cực kỳ cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thêm về nhân mạng trên quy mô lớn. Lệnh ngừng bắn tạm thời cũng sẽ giúp làm dịu căng thẳng ở Bờ Tây - nơi những người định cư Israel đang có nhiều hành động bạo lực nhắm vào trả đũa dân thường Palestine - và những nơi khác trong khu vực, làm giảm nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa”, ông Duss nói.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ban-ve-viec-ngung-ban-tai-dai-gaza-208366.html