Bán vé 8.000 chuyến ảo, hãng bay Australia chấp nhận bị phạt, bồi thường hơn 2.000 tỷ đồng

Hãng hàng không Qantas đã chấp thuận với mức phạt và bồi thường tổng cộng 120 triệu đô la Australia (tương đương 79 triệu USD, hơn 2 nghìn tỷ đồng) trong vụ kiện bán vé dù chuyến bay đã bị hủy.

Đề xuất mức phạt lớn nhất

Ngày 6/5, hãng hàng không Australia Qantas thông báo đạt được thỏa thuận với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) để giải quyết vụ kiện từ tháng 8/2023 trong đó ACCC cáo buộc hãng đã quảng cáo, bán vé cho hơn 8.000 chuyến dù những chuyến bay này đã bị hủy trước đó trong hệ thống thông tin nội bộ.

Theo đó, Qantas đồng ý đề xuất nộp phạt 100 triệu đô la Australia (tương đương 66 triệu USD, gần 1,7 nghìn tỷ đồng) và chi ra 20 triệu đô la Australia (tương đương 13 triệu USD, hơn 300 tỷ đồng) để bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng. Tổng tiền phạt và bồi thường Qantas phải trả lên đến 120 triệu đô la Australia (tương đương 79 triệu USD, hơn 2 nghìn tỷ đồng).

Qantas đồng ý đề xuất nộp phạt 100 triệu USD và chi ra 20 triệu USD để bồi thường cho các khách hàng bị ảnh hưởng (Ảnh: ABC).

“Qantas bắt đầu kế hoạch khắc phục và bồi thường trị giá 20 triệu USD dành cho những hành khách bị ảnh hưởng. Mỗi khách hàng sẽ nhận được từ 225 USD đến 450 USD. Đồng thời hãng sẽ trả tiền phạt dân sự 100 triệu USD sau khi Tòa án Liên bang Australia phê duyệt”, đại diện hãng hàng không tuyên bố.

Theo tờ Guardian, đây là án phạt doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay mà ACCC từng chấp thuận.

Sau đây, mức phạt trên sẽ được trình lên Tòa án Liên bang Australia để thông qua. Tuy nhiên, hãng bay khẳng định sẽ khởi động chương trình khắc phục bồi thường cho hành khách ngay trước khi tòa án phê duyệt.

“Hành vi của Qantas là không thể chấp nhận được. Nhiều hành khách đã lập kế hoạch cho kỳ nghỉ, chuyến công tác ngay sau khi đặt chỗ trên một chuyến bay không có thật”, bà Gina Cass-Gottlieb, Chủ tịch ACCC nhận định.

Trước đó, bà Gottlieb cho biết ACCC mong muốn mức phạt gấp đôi, lên tới 250 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) nhưng sau cơ quan này đã chấp thuận mức phạt nhẹ hơn để đảm bảo Qantas sớm giải quyết vụ việc, thừa nhận hành vi sai trái và cam kết cải thiện trong tương lai.

Lãnh đạo ACCC cũng cho biết, Qantas đã thừa nhận đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, cam kết không tái diễn vi phạm trong tương lai.

Trong khi đó, bà Vanessa Hudson, tân Giám đốc điều hành của Qantas, khẳng định đây là nỗ lực của hãng bay trong quá trình khôi phục niềm tin của một hãng hàng không quốc gia.

Quá trình bồi thường diễn ra thế nào?

Theo thỏa thuận, Qantas đồng ý bồi thường cho 86.597 khách đặt vé từ ngày 21/5/2021 đến ngày 26/8/2023, đặt chỗ hoặc được bố trí bay trên chuyến bay nội địa hoặc quốc tế dự kiến khởi hành từ ngày 1/5/2022 đến ngày 10/5/2024 nhưng đã bị hãng bay hủy bỏ.

Tuy nhiên, chỉ những hành khách đặt chuyến bay sau hai ngày trở lên kể từ thời điểm hãng quyết định hủy chuyến mới được bồi thường. Hãng sẽ chủ động liên hệ các khách hàng đủ điều kiện bồi thường trong tháng tới.

Trong thỏa thuận, Qantas cũng cho biết trong tương lai, sẽ thông báo khách hàng về việc hủy chuyến sớm nhất có thể và không quá 48 giờ kể từ khi quyết định hủy chuyến bay, cam kết dừng bán vé chuyến bay bị hủy ngay khi có thể và muộn nhất trong vòng 24 giờ.

Từ tháng 8/2023, ACCC đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang cáo buộc Qantas liên tục quảng cáo và bán vé trên hơn 8.000 chuyến bay trên trang web dù các chuyến bay này đã bị hủy trung bình khoảng hai tuần trước đó, thậm chí có trường hợp đã bị hủy tới 47 ngày trước.

Không chỉ vậy, cơ quan giám sát cũng cáo buộc Qantas đã không thông báo cho khách hàng đã mua vé trên hơn 10.000 chuyến bay vào năm 2022, dù chuyến bay đã bị hủy trước đó trung bình 18 ngày, cá biệt nhiều trường hợp lên đến 48 ngày.

Giám đốc điều hành Alan Joyce của Qantas cũng đã phải nghỉ hưu sớm sau khi những thông tin trên được công bố.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-ve-cho-8000-chuyen-bay-ao-hang-hang-khong-australia-chap-nhan-boi-thuong-3000-ty-192240506161909004.htm