Bạn trẻ TP. HCM thích thú trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống Việt Nam

Sáng ngày 24/3, Ngày hội Việt phục 'Tóc xanh vạt áo' khai mạc tại sảnh D, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Rất đông người yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam và sinh viên đã tham dự.

Ngày hội Việt phục “Tóc xanh vạt áo” trở lại lần thứ IV, với mong muốn tôn vinh, lan tỏa nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam với thế hệ trẻ và làn sóng cổ phong Việt Nam.

Qua biến thiên lịch sử, áo dài vẫn là biểu tượng bản sắc Việt

Tham dự lễ khai mạc có TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Trần Thanh Vương – Trưởng phòng Văn hóa Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực, các cán bộ Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cùng lãnh đạo trường ĐH KHXH&NV.

Các gian hàng tại Ngày hội có rất đông các bạn trẻ cùng tham gia trải nghiệm. (Ảnh: BTC)

GS. TS Lưu Văn Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Ủy, Chủ tịch Công đoàn trường ĐH KHXH&NV, Trưởng khoa Lịch sử phát biểu mở đầu chương trình: “Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng; đồng thời áo dài cũng là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường. Ngoài triết lí và nghệ thuật, trang phục áo dài còn là biểu tượng bản sắc văn hóa, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Việt Nam, không chỉ mang đến cho người Việt Nam mà còn mang đến cho bạn bè quốc tế những cảm xúc đặc biệt”.

Bạn trẻ thích thú khi mặc những bộ Việt phục dể check - in trong Ngày hội. (Ảnh: BTC)

Trong khuôn khổ Ngày hội còn có buổi trình diễn cổ phục và nghệ thuật truyền thống của Chămpa, tọa đàm “Thú chơi cổ ngoạn”, màn trình diễn độc tấu đàn nhị, talkshow “280 năm định chế áo dài”, workshop chủ đề “Di sản đô thị Sài Gòn – Nam Bộ qua các bản đồ”, talkshow “10 năm nhìn lại phong trào cổ phong”, và kết thúc chương trình, như truyền thống 3 mùa trước, là đêm Gala “Tóc xanh vạt áo IV”.

Đi từ giảng đường - lan tỏa muôn phương

Anh Thành Thông (Trưởng Ban Tổ chức chương trình) chia sẻ: “Tóc xanh vạt áo là chương trình xuất phát từ sinh viên, đi từ giảng đường ra và được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Qua chặng đường 4 năm phát triển, từ ngày đầu chỉ có 12 gian hàng, với 10 đơn vị đồng hành, đến năm nay đã lên đến 30 gian hàng, với hơn 22 đơn vị đồng hành. Số lượng khách tham quan và các đơn vị hỗ trợ chuyên môn đông đảo, đồng thời, sức lan tỏa của chương trình cũng ngày càng nhân rộng trên truyền thông là điều mình tự hào về chương trình”.

Chương trình cải lương trong Ngày hội.

Anh Thành Thông cho biết, những phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên chính là động lực to lớn và khẳng định rằng “Tóc xanh vạt áo” không chỉ là một ngày hội để các bạn có thể mặc Việt phục, mà còn có thể phát triển thêm tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc.

Trong Ngày hội, các bạn trẻ được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật, tham quan các gian trưng bày Việt phục, các bộ trò chơi độc đáo được thiết kế, sáng tạo từ nguồn cảm hứng cổ phong Việt Nam, thưởng thức tiết mục cải lương, trình diễn trang phục cổ truyền Chămpa…

Tại Ngày hội còn có workshop làm các món bánh ngọt miền Tây.

Bên cạnh đó, các khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ hầu hết đều mặc những bộ áo dài, áo dài ngũ thân, Việt phục… và mang những trang sức, mũ miện được đầu tư kỹ lưỡng.

Nguyệt Mi (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ, là một người yêu cổ phục Việt, Mi rất háo hức được tham gia chương trình, và đối với cô, đây là một ngày đặc biệt vì cô có thể tự tin diện bộ Việt phục thật xinh và gặp gỡ những người cũng yêu thích trang phục truyền thống của Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Ngày hội Việt phục “Tóc xanh vạt áo” lần IV:

Lương Mộng Tuyền

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-tp-hcm-thich-thu-trai-nghiem-khong-gian-van-hoa-truyen-thong-viet-nam-post1622955.tpo